Thiếu giáo viên, lo cho chất lượng chương trình giáo dục phổ thông mới

19/08/2022 08:01 GMT+7

Việc thiếu trầm trọng giáo viên dạy môn học mới khiến dư luận không khỏi lo lắng cho nền tảng thực hiện chương trình GDPT 2018 và hiệu quả của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục mà chúng ta đang theo đuổi.

Năm học 2022-2023 này thực hiện việc thay sách theo hình thức cuốn chiếu ở cả 3 cấp học: lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Thế nhưng, nhìn vào hiện trạng thiếu trầm trọng giáo viên diễn ra ở các cấp học, điều dư luận băn khoăn và lo ngại về hiệu quả hoàn toàn có cơ sở.

Vai trò của giáo viên mang tính quyết định đối với sự thành bại của bất kỳ công cuộc đổi mới nào

đào ngọc thạch

Chỉ tính riêng khối lớp 3, cả nước cần thêm 5.322 giáo viên dạy ngoại ngữ, với môn tin học cần bổ sung 3.684 người (tính tối thiểu 1 giáo viên/trường). Ở lớp 10 năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT 2018 cũng đang khan hiếm giáo viên các môn nghệ thuật, tin học.

Thiếu chủ động trong việc cân đối đội ngũ nhân lực

Chương trình GDPT 2018 xây dựng chân dung người học sinh mới với 6 phẩm chất và 10 năng lực đáp ứng xu thế phát triển, hội nhập quốc tế. Đặc biệt, những thay đổi tích cực liên quan đến việc tích hợp môn học, lồng ghép sáng tạo môn học theo hướng tăng cường thực hành, trải nghiệm đặt ra nhiều kỳ vọng về một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo…

Tuy nhiên, sau bao năm chuẩn bị cho lần thay sách rầm rộ này, dường như mọi thứ vẫn còn lắm chênh chao, đặc biệt là khâu xây dựng phương án đào tạo, tuyển dụng đội ngũ giáo viên đáp ứng công cuộc đổi mới. Môn học mới cần nhà giáo được đào tạo bài bản, chỉn chu. Môn học cũ cần nhà giáo được tập huấn đầy đủ, khoa học. Điều này cho thấy tính chủ động trong việc cân đối đội ngũ nhân lực của cơ quan chủ quản là Bộ GD-ĐT còn nhiều bất cập, thiếu sót.

Lẽ ra, ngay từ những ngày đầu xây dựng dự thảo chương trình GDPT 2018, Bộ cần tính toán sát sao về đội ngũ nhân lực, phối hợp với các ban ngành liên quan lên kế hoạch đào tạo giáo viên cho môn học mới, xây dựng đề án tuyển dụng giáo viên đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới giáo dục. Chỉ tiếc là sau bao nhiêu năm chuẩn bị, đến lúc bắt tay tiến hành thay sách lớp 3, 7 và 10 mới lộ ra việc thiếu trầm trọng giáo viên.


Thiếu giáo viên, vì sao cứ kéo dài?

Người thầy quyết định sự thành bại

Chương trình và sách giáo khoa dẫu xây dựng hay và bổ ích thế nào đi chăng nữa thì vai trò của người thầy vẫn mang tính quyết định đối với sự thành bại của bất kỳ công cuộc đổi mới nào.

Giáo viên là người trực tiếp tiếp cận chương trình mới, bằng tài năng sư phạm của mình chuyển tải tinh thần đổi mới, sáng tạo đến người học. Thế nên, nhìn vào thực trạng thiếu giáo viên và phương án điều động giáo viên THCS xuống dạy tiểu học như giải pháp tình thế ở một số địa phương, thú thật sự hoài nghi và lo lắng của dư luận về chất lượng giáo dục là hoàn toàn có cơ sở!

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là cơ sở cho sự phát triển bền vững của tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, là nền tảng cho sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc. Bất kỳ một quyết sách nào liên quan đến giáo dục đều phải được tính toán một cách cẩn trọng. Trong giáo dục không thể tồn tại phép thử đúng sai và rút kinh nghiệm, lại càng không thể chấp nhận sự cố gắng lấp đầy khoảng trống theo kiểu “đẽo cày giữa đường”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.