Thường cua đồng có quanh năm nhưng mùa nắng hiếm hơn mùa mưa. Riêng thời điểm đầu mùa mưa và khoảng tháng chín đến tháng mười âm lịch thịt cua đồng ngon nhất.
Và cũng xin nói thêm, bàn về công trạng phát hiện, phát triển những món ngon từ cua đồng thì dân Bắc xứng đáng hơn. Đó là những món canh cua rau đay, bún riêu cua, thuyết phục cả những cái lưỡi khó tính nhất. Nhờ những người Bắc xa quê, không ít người mang theo những món ngon dân dã vừa kể làm kế sinh nhai. Dần dà, Sài Gòn, Cần Thơ... Cà Mau đều nổi lên những gánh bún riêu cua, tiệm cơm có canh cua rau đay ngon, giá vừa phải. Cũng qua đó, con cua đồng đã góp phần củng cố cho một luận chứng: món ngon không hẳn chỉ toàn sơn hào hải vị.
Mát lành cháo, lẩu cua đồng
Tiếp nối, đất Nam bộ trù phú cũng nổi lên nhiều biến tấu cua đồng ngon căng bụng. Hơn 2 năm nay, tại Bến Tre, trên đường bên hông quốc lộ 60, mọc lên khá nhiều tiệm lẩu cháo cua đồng. Trong đó, quán Hồng Thủy “già” hơn và được nhiều thực khách ủng hộ.
Các quán bán những món cua đồng ngon: - Hồng Thủy, đường bên hông quốc lộ 60, P.6, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Quán mở cửa từ 10g đến 23g. Giá khoảng: 40.000 đồng/lẩu cỡ 4 người ăn. Chả cua đồng: 20.000 đồng/phần. - Hồ câu cá Phú Hữu: 816/46 Nguyễn Duy Trinh, P.Phú Hữu, Q.9, TP.HCM, cách cầu Xây Dựng 500m. Giá: 50.000 đồng/lẩu cỡ 3 - 4 người ăn. |
Được biết, khâu chế biến món này cũng khá kỳ công. Ban đầu, cua đồng ở đây được mua từ tỉnh Đồng Tháp, rửa sạch, tách mai, bỏ yếm. Gạch cua lấy từ yếm ra, trộn với một số gia vị phổ thông, để riêng. Phần thịt cua được xay nhuyễn, hòa ít nước sạch, quậy đều, lược lấy nước cốt. Đợi nồi cháo gạo cũ nấu nhừ bằng nước lọc cua, đầu bếp mới cho thêm đậu xanh cà, nấm rơm, cà rốt, khoai tây, nêm nếm vừa ăn rồi mới cho hành lá xắt nhỏ và hành gốc vào. Riêng lớp gạch cua làm mặt với màu vàng ruộm bắt mắt được cho sau cùng. Bên cạnh, phải có đĩa rau tươi với 6 thứ rau đồng quê: rau má, rau đay, rau ngót, cải xanh, mướp hương và mồng tơi. Nhờ vậy, thực khách thêm khoái khẩu khi xì xụp món cháo bình dân này, nhất là với những người đang ngấm hơi men.
Nước cháo thơm phức, ngọt mát, họ húp khoảng hai chén thì vã mồ hôi trán, tỉnh rượu hẳn. Đặc biệt, cần nước cháo ngọt đậm hơn, khách có thể nhờ đập vài hột vịt lộn bỏ vào.
Nhưng món cháo cua đồng không thể “cầm chầu” suốt buổi tiệc 3- 4 giờ liền. Thế là có người nghĩ ra món lẩu cua đồng, vẫn đảm bảo: ngon, bổ, rẻ. Cần ít tinh bột “dằn” bụng, khách có thể ăn bún kèm.
Món ăn chơi độc đáo
Ngoài ra, thịt cua đồng còn được chế biến thành chả, món ăn chơi độc đáo. Và cách chế biến món này cũng không quá khó. Bạn lấy ít thịt cua đồng giã nhuyễn, lược lấy nước ngọt. Bắc nồi nước lên nấu sôi, cho nước lọc cua vào. Đun lửa riu riu, khoảng bảy phút sau thịt cua sẽ nổi lên.
Bạn vớt thịt cua cho vào tô rồi pha ít lòng đỏ trứng gà (vịt), thêm tỏi và củ hành tím phi, ít thịt nạc heo bằm cùng tiêu, đường, bột ngọt, nấm mèo. Trộn đều, bạn cho hỗn hợp này vô khuôn nhôm hay tô đem hấp chín rồi chiên vàng.
Món này ăn kèm với các loại rau, dưa leo, cà chua sẽ thêm lạ miệng. Riêng nước luộc cua bạn có thể dùng nấu canh rau cho thêm ngọt.
“Thuốc” cua đồng
Tuy nhỏ bé, rẻ tiền hơn cua biển nhưng cua đồng chứa nhiều bài thuốc hay. Đông y gọi cua đồng là “điền giải”, giúp thông huyết ứ, tan máu bầm khi bị chấn thương, giải nhiệt, giải độc.
Theo đó, nước cua đồng có thể giúp hạ sốt. Cụ thể, bạn bắt khoảng 10 con cua đồng, giã lấy nước cho người bệnh uống. Lỡ khi bị chấn thương do té ngã hoặc va đập, bạn có thể sơ cứu bằng cách uống nước cua đồng tươi sống và đắp bã cua vào chỗ tổn thương. Ngoài món canh cua rau đay, còn có nhiều món canh giải nhiệt hiệu quả từ cua đồng, đơn cử có canh cua đồng rau má, canh cua đồng đu đủ xanh...Về mặt dinh dưỡng, thịt cua đồng giàu canxi, giúp xương chắc khỏe. Cụ thể trong 100g thịt cua đồng có chứa: 5,04%mg Ca, 4,7mg% Fe, 12,3% đạm... (theo Viện Dinh dưỡng T.Ư).
Thất Lang - Tạ Tri
Bình luận (0)