Reuters ngày 29.12 đưa tin Ấn Độ phát hiện 6 người trở về từ Anh trong vài tuần qua nhiễm biến thể mới của vi rút gây Covid-19 với độ lây nhiễm cao. Bộ Y tế Ấn Độ cho hay tất cả 6 bệnh nhân cùng những người tiếp xúc gần đã được cách ly và cơ quan chức năng đang tiếp tục xác định những hành khách đã đi cùng họ. Ấn Độ hiện cấm mọi chuyến bay từ Anh cho đến hết tháng 12, nhưng đã tiếp nhận khoảng 33.000 hành khách vào cuối tháng 11 trước khi có lệnh cấm.
Diễn biến báo động
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các biến thể mới của vi rút tiếp tục xuất hiện tại nhiều nước. Nhật Bản ghi nhận biến thể mới được phát hiện tại Nam Phi ở một phụ nữ trên 30 tuổi, sau khi phát hiện ít nhất 12 ca nhiễm biến thể vi rút phát hiện tại Anh.
Trước đó, Hàn Quốc cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể mới của vi rút từ Anh. Hôm qua, Hàn Quốc ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao chưa từng có, ở mức 40 ca.
Cảnh báo đại dịch nguy hiểm hơn Covid-19Hãng AFP ngày 29.12 dẫn lời ông Michael Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới nhưng vẫn còn những đại dịch nguy hiểm hơn phía trước. Quan chức này nêu rõ rằng dù SARS-CoV-2 gây Covid-19 rất dễ lây lan và gây tử vong, nhưng tỷ lệ tử vong hiện khá thấp nếu so với các bệnh mới xuất hiện khác. “Chúng ta cần sẵn sàng đối phó với điều có thể còn nghiêm trọng hơn trong tương lai”, ông dự báo. Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hy vọng Covid-19 sẽ giúp thế giới có tư thế chuẩn bị hơn trong đối phó với các đại dịch sau này.
|
Tình hình dịch bệnh tiếp tục báo động tại Thái Lan khi đã 45 tỉnh, thành của nước này ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng chỉ chưa đầy hai tuần sau khi dịch bùng phát ở tỉnh Samut Sakhon. Tờ Bangkok Post dẫn lời phát ngôn viên Taweesilp Visanuyothin của Trung tâm điều hành tình hình Covid-19 ở Thái Lan cảnh báo rằng số ca mắc Covid-19 hằng ngày trên cả nước có thể lên đến 18.000 vào ngày 14.1.2021 nếu không có các biện pháp kiểm soát. Tính đến hôm qua, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 6.440 ca mắc Covid-19 với 61 ca tử vong.
Tại Nga, Phó thủ tướng Tatiana Golikova thông báo số ca tử vong vì Covid-19 thực tế ở nước này là hơn 186.000, gấp 3 lần con số thống kê trước đó. Với số liệu này, Nga trở thành nước có số ca tử vong vì Covid-19 cao thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Brazil.
Tại Mỹ, Hạ viện hôm qua thông qua dự luật tăng mức hỗ trợ cho mỗi người dân bị ảnh hưởng vì Covid-19 từ 600 USD lên thành 2.000 USD như yêu cầu của Tổng thống Donald Trump.
Các nước tăng tốc mua vắc xin
Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, các nước đang tăng tốc thử nghiệm, thỏa thuận mua và tiêm chủng vắc xin với hy vọng dập tắt đại dịch.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ hôm qua cho hay đã phân phối hơn 11,4 triệu liều trên cả nước và đã tiêm hơn 2,1 triệu liều vắc xin của Moderna và Pfizer/BioNTech. Trong khi đó, Liên minh Châu Âu cho hay việc phân phối 200 triệu liều vắc xin của Pfizer/BioNTech tại các nước thành viên sẽ hoàn tất trước tháng 9.2021.
Về khả năng vắc xin giúp chặn đứng đại dịch, Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London hôm qua công bố nghiên cứu cho rằng Anh phải chủng ngừa 2 triệu người/tuần mới có thể ngăn chặn làn sóng Covid-19 thứ 3. Đến nay, Anh ghi nhận hơn 2,3 triệu ca mắc và 71.000 ca tử vong vì Covid-19.
Tại châu Á, Bộ Y tế Indonesia hôm qua cho hay nước này đang hoàn tất thỏa thuận mua 50 triệu liều vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca. Hàn Quốc dự kiến sẽ thỏa thuận mua vắc xin của Moderna để chủng ngừa cho 20 triệu người, còn Philippines vừa bật đèn xanh cho thử nghiệm vắc xin của Janssen, đơn vị thuộc Hãng Johnson & Johnson (Mỹ).
Quá trình tiêm vắc xin Covid-19 ở Đức hôm qua gặp sự cố tại viện dưỡng lão ở thành phố Stralsund, khi 8 nhân viên bị tiêm nhầm đến 150 microgram (mcg), thay vì liều lượng chuẩn là 30 mcg. Trong số này, 4 người phải nhập viện để đề phòng sau khi có biểu hiện triệu chứng của Covid-19 và cúm.
Bình luận (0)