Biến thể vi rút coxsackie A24 gây đau mắt đỏ nguy hiểm như thế nào?

Lê Cầm
Lê Cầm
18/09/2023 11:09 GMT+7

Vi rút coxsackie A24 biến thể thuộc vi rúut enterro là nguyên nhân chính viêm kết mạc mắt trong đợt bùng phát đau mắt đỏ hiện nay tại TP.HCM, có tốc độ lây lan nhanh.

Theo Sở Y tế TP.HCM, kết quả giải trình tự gien các mẫu bệnh phẩm có tải lượng vi rút phù hợp đã xác định vi rút coxsackie A24 (86%), vi rút human adeno 54 (11%) và vi rút human adeno 37 (3%) là những tác nhân gây ra gây đợt bùng phát đau mắt đỏ tại TP.HCM.

Tốc độ lây lan nhanh, một số trường hợp có thể gây viêm họng, rối loạn tiêu hóa

Ngày 17.9, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết về mức độ gây bệnh nặng so với các chủng vi rút khác thì chưa có bằng chứng khẳng định, tuy nhiên vi rút  coxsackie A24 có tốc độ lây lan nhanh.

"Coxsackie A24 vi rút là biến thể vi rút entero nhóm C có nhân RNA. Trong khi đó, vi rút adeno  chứa nhân DNA. Các nghiên cứu cho thấy vi rút chứa nhân RNA có tốc độ lây lan nhanh hơn so với DNA", bác sĩ Tiến phân tích.

Ngoài ra, có một điểm khác biệt, đó là vi rút coxsackie A24 không chỉ gây viêm kết mạc ở mắt, mà trong một số trường hợp có thể gây viêm mạc vùng má, môi, viêm amidan, viêm họng, viêm phổi, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, ói, tiêu chảy...

Biến thể vi-rút coxsackie A24 gây đau mắt đỏ nguy hiểm như thế nào - Ảnh 1.

Một trường hợp đau mắt đỏ

LÊ CẦM

Vi rút coxsackie A24 có thể gây ra viêm kết mạc bệnh cảnh nặng nhưng thường cấp tính, bệnh mau khỏi trong khoảng 3-5 ngày, lâu hơn khoảng 7-10 ngày. Coxsackie A24 vi rút ít gây viêm giác mạc, nhưng trong một số trường hợp có thể gây phù giác mạc. Trong khi đó, nhóm vỉ rút adeno gây đau mắt đỏ có thể gây viêm giác mạc mạn tính.

Khi bị đau mắt đỏ, tuyệt đối không tự ý dùng loại thuốc nhỏ mắt này

Viêm kết mạc xuất huyết là biểu hiện chủ yếu trong đợt dịch hiện nay

Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Đức Quốc (Khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết viêm kết mạc do vi rút coxsackie A24 có biểu hiện chủ yếu là gây đỏ mắt nhiều, vì vậy bệnh còn thường được gọi là viêm kết mạc xuất huyết. Ngoài ra, bệnh còn có một số triệu chứng khác như ngứa mắt, đau, sưng mí, chảy ghèn, các triệu chứng siêu vi toàn thân.

Viêm kết mạc xuất huyết có tốc độ lây lan nhanh, đa số bệnh có thể tự khỏi. Tuy nhiên, một số ít trường hợp, bệnh có thể gây phù giác mạc. Người bệnh cần phải đến các bệnh viện chuyên khoa mắt để kiểm tra để có hướng điều trị phù hợp.

Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, viêm kết mạc xuất huyết là biểu hiện chủ yếu trong đợt bùng phát mắt đỏ hiện nay tại TP.HCM, theo các báo cáo khoa học trên thế giới, tác nhân chính là nhóm vi rút entero, trong đó bao gồm biến thể coxsackie A24 và EV70.

Biến thể vi-rút coxsackie A24 gây đau mắt đỏ nguy hiểm như thế nào - Ảnh 2.

Coxsackievirus A24 chứa nhân RNA có tác độ lây lan nhanh

SYT TP.HCM

Để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ Quốc khuyến cáo người dân cần lưu ý một số vấn đề như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân; vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sát trùng đồ dùng, vật dụng của người bệnh bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn thông thường; hạn chế tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với người mắc bệnh đau mắt đỏ.

Đặc biệt, các chuyên gia lưu ý người bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid.

Biến thể vi rút coxsackie A24 gây đau mắt đỏ nguy hiểm như thế nào?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.