Biến vỏ mì gói thành sản phẩm nghệ thuật

05/06/2022 14:36 GMT+7

Cô giáo Vũ Thị Thảo và các em nhỏ đã cùng nhau biến vỏ gói mì tôm thành các sản phẩm nghệ thuật vô cùng hữu dụng, nghệ thuật để chung tay bảo vệ môi trường , nói không với rác thải nhựa.

Biến rác thành giỏ hàng, túi xách....

Ít ai có thể ngờ vỏ mì tôm làm nên được những chiếc giỏ, túi xách, phụ kiện trang trí... bắt mắt. Đó chính là ý tưởng tái chế của cô Vũ Thị Thảo, giáo viên dạy thể chất Trường trung học Vinshool Times City (Hà Nội).

Cô Vũ Thị Thảo đang tiến hành cắt vỏ mì sau khi được các bạn cộng tác viên thu gom và làm sạch

thảo vân

Hưởng ứng phát động “Tuần lễ bảo vệ môi trường” của trường, trong đó có cuộc thi ý tưởng tái chế phế thải thành vật dụng hữu ích. Sau khi cân nhắc một số nguyên liệu như chai nhựa, giấy…cô Thảo đã lựa chọn vỏ mì tôm để tái chế. “Vỏ mì tôm đa dạng màu sắc, có độ bền cao lại mềm nên dễ cuộn. Nhất là khả năng thu gom loại rác này dễ hơn”, cô Vũ Thị Thảo chia sẻ.

Để tạo nên được những sản phẩm tái chế, cô Thảo cùng thành viên và đội ngũ cộng tác viên của Câu lạc bộ (CLB) Mì tôm xanh phải thực hiện thu gom vỏ mì từ cộng đồng; tiếp theo là xử lý, làm sạch vỏ mì.

Sau đó tạo sợi đan bằng vỏ mì và cuối cùng là thiết kế rồi đan thành các sản phẩm. Điểm đặc biệt nhất là toàn bộ nguyên liệu dư thừa trong quá trình tạo sản phẩm sẽ lại được chuyển về cho dự án “Rác là vàng” để sản xuất vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế.

Nguyên liệu để tạo nên những sản phẩm độc đáo, mới lạ mà thân thiện với môi trường của CLB Mì tôm xanh.

thảo vân

Như vậy đảm bảo rằng toàn bộ rác thải đều được xử lý tiếp thay vì bị thải ra môi trường. Cô Thảo thường mất 2 tiếng (không kể thời gian làm sạch và cuộn vỏ) để làm ra thành phẩm; với những sản phẩm phức tạp hơn như giỏ, túi xách thì phải mất 12 tiếng để hoàn thiện.

Cô Vũ Thị Thảo tâm sự: “Thông qua hoạt động ý nghĩa này mình dạy cho các con kỹ năng thuyết trình, thuyết phục. Các con phải làm sao để thuyết phục được người ta tin tưởng, ủng hộ và thu gom vỏ mì cho mình. Ngoài ra còn có kỹ năng kiên trì và biết chia sẻ. Dù là việc nhỏ thôi nhưng các con biết giúp đỡ, chia sẻ với cộng đồng, với xã hội”.

Sau khi đăng tải các sản phẩm, không chỉ trong phạm vi trường Vinschool mà ở khắp nơi trên địa bàn Hà Nội, rất nhiều nơi mọi người đều ủng hộ và đăng kí làm cộng tác viên cho dự án. Cộng tác viên có nhiệm vụ thu gom vỏ mỳ, làm sạch, tập kết tại một điểm cụ thể sau đó đóng gói và gửi đến CLB Mì tôm xanh. Ngoài ra cô Thảo cũng thường xuyên đăng tải video hướng dẫn để các cộng tác viên có thể tự tái chế ngay tại nhà.

“Chúng em thu gom vỏ mì của các gia đình nơi mình sinh sống, từ bạn bè cùng lớp cùng trường và nhận từ các cộng tác viên nữa. Số lượng vỏ thu tới nay rất nhiều, lên đến con số hàng chục nghìn. Sự tin tưởng và ủng hộ của mọi người đã góp phần tạo thói quen giữ lại vỏ mì sau khi ăn. Có vậy thì sẽ lượng rác thải ra môi trường hay đại dương sẽ giảm đi rất nhiều", em Nguyễn Phương Linh, thành viên CLB Mì tôm xanh, Trường trung học Vinschool chia sẻ.

Túi xách tái chế từ vỏ mì tôm

thảo vân

Gắn kết để yêu thương

Thật ý nghĩa khi toàn bộ doanh thu bán sản phẩm sẽ được các thành viên Mì Tôm Xanh dùng cho mục đích từ thiện. Giá thành của các sản phẩm giao động từ 100.000 - 300.000 đồng và khách hàng sẽ thanh toán cho sản phẩm bằng việc chuyển khoản trực tiếp cho Quỹ phòng chống dịch Covid-19 và các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình “Cặp lá yêu thương”.

Ngoài ra cô Thảo và các thành viên CLB Mì tôm xanh đang tiến hành dạy lại cách làm sản phẩm cho cô giáo, phụ huynh, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở các trung tâm bảo trợ xã hội. Những hoạt động của cô Thảo và CLB đều được chia sẻ công khai. Chính vì vậy nhiều người đã ủng hộ cho những hoàn cảnh khó khăn số tiền nhiều hơn giá trị của sản phẩm mà họ mua.

Cô Vũ Thị Thảo cùng thành viên CLB Mì tôm xanh trong một buổi hướng dẫn đan vòng tay cho các cô giáo dạy trẻ khiếm thính

thảo vân

Tuy nhiên hiện tại nhóm đang tập trung dạy nghề cho những người khiếm thính nên chưa có đủ nhân lực làm sản phẩm số lượng lớn để chạy đơn hàng cho khách. Vì vậy theo chia sẻ của cô Thảo, nhóm đang đợi khi nguồn nhân lực ổn định lại thì sẽ tổ chức bán sản phẩm theo hình thức doanh nghiệp xã hội: 49% từ thiện và 51% là vốn duy trì CLB.

“Mặc dù làm những sản phẩm này mất rất nhiều thời gian nhưng tôi và các thành viên trong CLB vẫn thích thú với công việc. Bởi lẽ, khi mỗi sản phẩm được hoàn thành và trao đến khách hàng chính là đã góp một phần công sức để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và cũng là để bảo vệ môi trường”, cô Thảo bộc bạch.

Các sản phẩm tái chế từ vỏ mì bởi các bàn tay khéo léo của thành viên CLB Mì tôm xanh

thảo vân

Trong tương lai cô Thảo và CLB Mì tôm xanh sẽ mở rộng tái chế đa dạng các loại rác thải khác, làm ra các sản phẩm phong phú và độc đáo hơn. Mở rộng thêm mô hình cộng tác viên ở khắp mọi nơi vì hiện tại đơn đặt thì rất nhiều nhưng hàng thì vẫn còn đang phải ‘nợ’ khách.

Hơn 2 năm hoạt động những sản phẩm tái chế từ vỏ mì tôm của CLB Mì tôm xanh đã nhận được các giải thưởng quý giá: Giải ba tại cuộc thi Sáng kiến thanh niên “Trả xanh cho biển” do Quỹ ASEAN tổ chức; Giải nhì cuộc thi “Phác họa sống xanh - Cách gieo mầm cho trái đất 2020” do GLUE Project tổ chức. Năm 2021, CLB đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp vì môi trường toàn quốc do Trường ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.