Cuối tuần, siêu thị đông hơn bình thường, mọi người phải xếp hàng trước các quầy thu ngân đợi thanh toán. Ở quầy tôi đứng chờ, có đôi vợ chồng già loay hoay gần hai mươi phút vẫn chưa thanh toán xong dù họ mua ít hàng.
Minh họa: Văn Nguyễn
|
Sau một hồi lục túi, cụ ông mới gom được xấp tiền lẻ, lui cui hỏi cô nhân viên: “Cô xem lại giùm, chừng này đủ chưa?”. Cô nhân viên nhỏ nhẹ bảo: “Chưa đủ bác ạ, thiếu một trăm bảy mươi nghìn nữa”. Cụ bà bối rối tìm tiếp nhưng cũng chỉ thêm được hai mươi ngàn đồng. Cụ ông cười móm mém, đầy vẻ ăn năn: “Hay cô cho tôi trả lại ít hàng nhé”.
Những người chờ đợi phía sau bắt đầu mất kiên nhẫn, tiếng xì xào nổi lên. Một cậu thanh niên ăn mặc bóng bẩy lên tiếng: “Thôi đi bố ơi! Nhanh giùm đi, đúng là lẩm cẩm”; người con gái còn trẻ tuổi đứng cuối hàng nói với lên: “Vớ vẩn quá, ít tiền còn bày đặt đi siêu thị”; rồi một anh thanh niên đeo kính râm, trên tay cầm lọ nước hoa bực bội: “Liệu cơm mà gắp mắm chứ, phiền người khác quá đi”… Trước những lời bàn tán, vợ chồng già càng mất bình tĩnh, họ lúng túng đến đỏ mặt. Cô nhân viên trẻ sau khi gọi bảo vệ đến, ôn tồn nói: “Nhà hai bác ở gần đây không, bảo vệ sẽ mang hàng đến nhà và lấy tiền sau cũng được ạ”. Đôi vợ chồng già líu ríu cảm ơn, đọc địa chỉ rồi đi nhanh về phía cửa ra như muốn tránh những ánh mắt soi mói.
Nhìn cảnh mà thấy xót xa, giá như những người trẻ tuổi đừng buông ra những lời vô tâm. Biết đâu ông bà cụ ấy mới ở quê lên, chưa quen đi siêu thị hay họ quên mang ví nên mới vậy. Nếu chúng ta gặp hoàn cảnh như vậy thì sao. Bởi vậy, chúng ta phải học cách cảm thông vì ai cũng có lúc sơ suất. Đừng vì một chút thiếu kiên nhẫn mà làm tổn thương người khác.
Bình luận (0)