Khi kịch bản web drama 'đua đòi' lên phim điện ảnh
Biệt đội rất ổn ra rạp hôm 31.3, đánh dấu màn tái xuất của đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp sau 2 năm "trình làng" phim điện ảnh đầu tay Trái tim quái vật. Ý tưởng và kịch bản của Biệt đội rất ổn do Võ Tấn Phát phát triển từ web drama ăn khách Gia đình cục súc. Tuy nhiên, đây là một tuyến truyện hoàn toàn độc lập, khán giả không cần theo dõi Gia đình cục súc trước đó vẫn có thể hiểu được phim.
Bộ phim xoay cặp bạn thân Khuê (Hoàng Oanh) và Phong (Hứa Vĩ Văn). Sau khi ra tù vì bị người chồng đểu giả Tuấn (Quang Tuấn) hãm hại, Khuê quyết tâm giành lại quyền nuôi con. Vừa hay, Tuấn sắp tổ chức đám cưới với nữ đại gia miền Tây Tư Xoàn (Lê Khánh), Khuê và Phong toan tính đột nhập vào đám cưới để vạch trần bộ mặt thật của Tuấn. Trên hành trình đó, họ bất đắc dĩ phải chiêu mộ và nhờ đến sự giúp đỡ của một "gia đình cục súc" gồm: Bảy Cục (Võ Tấn Phát), Bảy Súc (Nguyên Thảo), Quạu (Ngọc Phước) và Quọ (Ngọc Hoa). Sáu người cùng nhau thực hiện phi vụ táo tợn: tiếp cận chiếc vòng cổ kim cương giả mà Tuấn dùng để cầu hôn Tư Xoàn, chứng minh gã là kẻ lừa lọc.
Biệt đội rất ổn mở màn khá lê thê khi có quá nhiều nhân vật cần phải giới thiệu. Kịch bản phim ngay từ đầu đã khiến người xem hơi "cấn" do động cơ nhân vật thiếu thuyết phục. Là một tiểu thư "trâm anh thế phiệt" lỡ sa cơ vì bị chồng lừa đảo, Khuê vừa mới ra tù lại rắp tâm dấn thân vào một phi vụ lừa đảo rẻ tiền để vạch mặt chồng cũ. Phía gia đình cục súc thì bị cuốn vào "cuộc chơi" chỉ vì lý do ất ơ là mắc nợ bạc tỉ vì lỡ ăn nhầm con gà đá vàng ngọc của một đại ca giang hồ.
Càng về sau, kịch bản và tình tiết phim càng chảy trôi theo hướng "sao cũng được, miễn là có cái cớ để tình tiết đó phải diễn ra", hỗn loạn và phi logic. Cách kể chuyện đan xen giữa hiện tại và quá khứ, với sự chênh phô rõ rệt về tông điệu kể, màu sắc, cách thể hiện của diễn viên hoàn toàn không hiệu quả. Chưa kể, bối cảnh phim đầu tư chưa tới, đặc sắc miền Tây cũng nửa vời mà xa hoa giới siêu giàu thì cũng chưa xong. Ngoài ra, cách dàn cảnh và đường hình của phim cũng rất ngẫu hứng, sơ sài.
Hơn hết, nhân vật nào trong Biệt đội rất ổn cũng nông nổi và hành xử cảm tính nên chẳng tạo được bất kỳ sự đồng cảm nào nơi người xem. Họ luôn tuồn "thả miếng", đốp chát, giãi bày một cách cường điệu. Nhờ sự vững nghề và chịu đổi mới của Hứa Vĩ Văn, nét duyên trời ban của Lê Khánh và năng khiếu "thở là hài" của Ngọc Phước nên ba nhân vật Phong, Tư Xoàn và Quạu mới lấy về được chút thiện cảm. Phim có điểm sáng hiếm hoi là rất biết cách bắt "trend" (xu hướng). Biệt đội rất ổn làm rồi ra rạp nhanh, không bị "ngâm" quá lâu nên các "trend" liên quan đến mạng xã hội trong phim còn đủ mới mẻ, làm người xem thấy đủ gần gũi.
Với những mảng chắp vá hời hợt trong tình tiết, hàng loạt pha tấu hài ồn ào, kém duyên và thứ ngôn ngữ điện ảnh yếu ớt, Biệt đội rất ổn thành hình như một mảnh web drama đang "đua đòi" trở thành phim điện ảnh. Việc đưa tác phẩm này lên màn ảnh rộng khá phí. Vì nếu mong muốn từng ấy trải nghiệm, khán giả có thể ngồi nhà "mua vui vài trống canh" bằng cách xem web drama hoặc phim trực tuyến trên máy tính, điện thoại di động hoặc tivi.
Qua thời hài thảm họa, đến thời hài nhạt
Một cách trùng hợp, trong năm 2023, Biệt đội rất ổn là bộ phim Việt thứ hai khai thác các chất liệu đặc trưng của dòng phim heist/caper (về phi vụ trộm cướp) được Hollywood hết sức ưa chuộng, sau Siêu lừa gặp siêu lầy. Đáng tiếc, cả hai đều nhạt nhòa, chắp vá và vụng về.
Những bộ phim thuộc thể loại này chỉ hay khi nhà làm phim kiến tạo được một phi vụ tinh vi, lý thú, được bồi đắp khéo léo. Trong đó, mỗi nhân vật phải có màu tính cách đậm và thể hiện được họ là mắc xích, bánh răng quan trọng trong một cỗ máy lớn vận hành phi vụ. Sự trái dấu trong tính cách, kỹ năng hay kinh nghiệm đời sống của các nhân vật sẽ là tiền đề cho những sự cố, tình huống oái oăm mang tính giễu nhại được diễn ra. Thoại hài hay hài hình thể cũng quan trọng. Nhưng đó chỉ là phần "bồi" đến sau một đường dây kịch bản đủ chắc với những tình huống đủ thú vị.
Với thị trường điện ảnh Việt, phim hài vốn được xem như thể loại "dễ bán, dễ ăn" do khán giả chủ yếu có nhu cầu tìm kiếm cảm xúc vui vẻ, giải trí khi ra rạp. Ngoài ra, nó cũng đảm bảo sự an toàn nhất định cho các nhà đầu tư khi không "ngốn" quá nhiều kinh phí đầu tư, tiết kiệm thời gian quay, đối tượng khán giả tiếp cận rộng… Bên cạnh kinh dị thì phim hài chiếm số lượng áp đảo các thể loại khác.
Điều đáng mừng là điện ảnh Việt đang dần bước ra giai đoạn nhan nhản hài nhảm, hài thảm họa. Những phim hài ra mắt trong thời gian gần đây như Em chưa 18, Em là bà nội của anh, Chàng vợ của em, Chìa khóa trăm tỉ, Nghề siêu dễ, Dân chơi không sợ con rơi… dẫu không xuất sắc nhưng cũng đáp ứng tốt yếu tố giải trí, văn minh, dễ chịu. Thế nhưng, dễ thấy, phần lớn các phim hài thuộc dạng tạm ổn của điện ảnh Việt là những tác phẩm "remake" (làm lại). Số còn lại, nếu không dở thì rơi vào dạng… nhạt.
Năm nay, qua trường hợp của Siêu lừa gặp siêu lầy, Biệt đội rất ổn, dễ thấy phim hài Việt vẫn đang tiếp tục được khai thác theo lối cũ, làm theo kiểu "mì ăn liền" hoặc cố gắng bắt chước những phim tiêu biểu cùng thể loại của nước ngoài. Phần lớn các phim hài Việt Nam đang chỉ dừng lại ở mức độ chọc cười, giải trí, chưa nâng cấp lên được mức độ châm biếm, giễu nhại. Chúng có thể không hay, nhưng cũng không làm người xem phẫn nộ, khó chịu khi ngồi trước màn chiếu.
Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, phim hài nhạt vẫn có thể thu lời, thậm chí thắng lớn, như trường hợp của Cua lại vợ bầu (190 tỉ đồng), Siêu sao siêu ngố (103 tỉ đồng) và gần đây nhất là Siêu lừa gặp siêu lầy (115 tỉ đồng). Thành công phòng vé của những bộ phim này chủ yếu nằm ở những gương mặt ngôi sao có nhiều fan, chọn đúng thời điểm ra rạp, không phải cạnh tranh với những bom tấn nước ngoài, chiến lược truyền thông hợp lý, tạo được hiệu ứng truyền miệng tốt. Thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn quá khó đoán khi những thành tích doanh thu lại không hề đồng nhất với chất lượng phim.
Bình luận (0)