'Biệt đội' trong mạng lưới của Mỹ đối phó Trung Quốc

12/05/2024 06:15 GMT+7

Liên minh Mỹ - Nhật Bản - Úc - Philippines với tên gọi 'Squad' (biệt đội) trở thành bước tiếp theo trong chính sách của Washington ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong bài phân tích đăng hôm qua 11.5 trên chuyên san The Diplomat, nhà nghiên cứu Oorja Tapan (Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, Ấn Độ), đánh giá việc Mỹ vừa phối hợp hình thành "Biệt đội" không phải nhằm thay thế Ấn Độ trong nhóm "Bộ tứ" (QUAD, gồm Mỹ - Nhật - Úc - Ấn Độ) bằng Philippines. Theo vị chuyên gia, nguyên nhân là vì sự do dự của New Delhi ở nhiều chương trình nghị sự an ninh khiến cho làm loãng trọng tâm Trung Quốc trong chính sách của "Bộ tứ".

"Biệt đội" đồng minh đối phó Trung Quốc ?

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gặp các đồng cấp Richard Marles (Úc), Minoru Kihara (Nhật Bản) và Gilberto Teodoro (Philippines) tại Hawaii để "chia sẻ tầm nhìn về hòa bình, ổn định và răn đe ở Indo-Pacific". Qua cuộc gặp, các bộ trưởng quốc phòng đạt nhiều thỏa thuận hợp tác 4 bên của liên minh này - được Lầu Năm Góc gọi là "Biệt đội".

Phát biểu sau cuộc họp chung, Bộ trưởng Austin thông báo nhóm 4 nước sẽ xem xét thực hiện nhiều cuộc tập trận trên biển hơn cũng như cung cấp hỗ trợ an ninh lớn hơn cho Philippines. Thực tế, "Biệt đội" đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự trên biển vào tháng 4 vừa qua, và dự kiến sẽ tổ chức nhiều hơn vào cuối năm nay.

Tàu chiến Mỹ, Nhật Bản, Úc, Philippines tập trận trên Biển Đông vào ngày 7.4 vừa qua

Tàu chiến Mỹ, Nhật Bản, Úc, Philippines tập trận trên Biển Đông vào ngày 7.4 vừa qua

Bộ Quốc phòng Úc

Phản ứng trước sự kiện trên, tờ Hoàn Cầu thời báo (Trung Quốc) có bài xã luận: Mỹ tập hợp "biệt đội" đồng minh để đối phó với Trung Quốc. Thậm chí, bài viết còn cho rằng Mỹ đang "Ukraine hóa" Philippines khiến Manila đứng trước nhiều rủi ro.

Trong khi đó, giữa lúc Philippines và Trung Quốc căng thẳng dâng cao sau các sự vụ ở Biển Đông, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng thông qua "Biệt đội", Manila có thể khai thác nguồn lực của 3 thành viên còn lại để ứng phó trước hành động của Bắc Kinh.

Điển hình, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản) phân tích: "Manila sẽ vẫn tập trung vào việc mượn sức mạnh của 3 nước còn lại để ngăn chặn các thách thức của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc hỗ trợ an ninh cho Philippines có thể bao gồm cả phương tiện lẫn đào tạo nguồn nhân lực".

Các biến thể "NATO châu Á"

Phân tích thêm, GS Sato cho rằng 2 thỏa thuận 4 bên ("Bộ tứ và "Biệt đội") có nhiều điểm trùng nhau giúp gắn kết hơn các nhóm, cho phép cả Ấn Độ và Philippines dễ dàng làm việc với Úc, Nhật Bản và Mỹ.

Thời gian qua, Mỹ chọn cách không tập trung vào việc xây dựng một mạng lưới lớn như NATO ở Bắc Đại Tây Dương. Đổi lại, Washington thúc đẩy phát triển các biến thể "NATO châu Á" với quy mô nhỏ hơn và phù hợp hơn giữa nhiều thách thức nổi lên ở Indo-Pacific. Ngoài "Bộ tứ" hay "Biệt đội" thì còn có thỏa thuận 3 bên Mỹ - Anh - Úc (AUKUS). Theo truyền thông quốc tế, Washington và Tokyo đang thảo luận về cách thức để Nhật Bản tham gia hợp tác về công nghệ trong thỏa thuận AUKUS. Cũng liên quan đến AUKUS, cả 3 bên tham gia đã đồng thuận chào đón thêm sự hợp tác của New Zealand.

Mặt khác, Mỹ cũng đang thúc đẩy hợp tác 3 bên với Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự kiến, tháng 7 tới, lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, rồi tiến đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn.

Sự khác biệt giữa các nước ở Indo-Pacific tạo ra những rào cản để nhiều nước đồng thời đạt nhiều tiêu chí thỏa thuận để hình thành nên một liên minh rộng lớn như NATO. Vì thế, Mỹ hình thành nên các "NATO biến thể châu Á". Các mạng lưới hợp tác này được củng cố hợp tác dần bằng các thỏa thuận đa phương, điển hình như hợp tác về hỗ trợ hậu cần, hợp tác tình báo… Với cách làm như vậy, Washington sẽ có thể hạn chế các chỉ trích về việc hình thành liên minh rộng lớn.

Nhiều thỏa thuận đa phương Mỹ - Nhật - Philippines

Hiện nay, Mỹ cùng Nhật Bản và Philippines đã có nhiều thỏa thuận song phương lẫn đa phương để phối hợp hoạt động trên biển. Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. có cuộc hội nghị thượng đỉnh 3 bên tại Nhà Trắng. Trong hội nghị, Tổng thống Biden đã gián tiếp gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng: "Các cam kết quốc phòng của Mỹ với Nhật Bản và Philippines vững như sắt. Bất kỳ cuộc tấn công nào vào máy bay, tàu hoặc lực lượng vũ trang Philippines ở Biển Đông sẽ được viện dẫn hiệp ước phòng thủ chung của chúng tôi". 3 nhà lãnh đạo cũng đạt được một số sáng kiến mới bao gồm việc mời các thành viên tuần duyên Philippines và Nhật Bản lên tàu tuần duyên Mỹ trong các chuyến tuần tra chung ở Indo-Pacific…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.