Nikkei Asia đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhóm họp với những người đồng cấp từ 3 nước nói trên ở Hawaii (Mỹ) hôm 2.5, nhằm thiết lập một "con đường đầy tham vọng" cho hòa bình, ổn định và khả năng răn đe ở Indo-Pacific. Theo các tường thuật, giới chức Lầu Năm Góc đặt biệt danh cho nhóm này là "Squad" (tạm dịch: Biệt đội). Nhóm đã tập trận trên biển vào tháng 4 và dự kiến tổ chức các hoạt động như vậy nhiều hơn trong năm nay.
Nhà nghiên cứu Ashley Tellis tại Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie nhận định nhóm Bộ Tứ ra đời trước đó (gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc) "có vẻ đang tụt dốc" do các vấn đề về lịch trình cũng như chiến sự ở Ukraine và Trung Đông. Song ông cũng cho rằng những diễn biến này đã trả Bộ Tứ về đúng vị trí của mình. "Bộ Tứ có giá trị lớn nhất trong thời bình… Trong các cuộc khủng hoảng mang tính quân sự và căng thẳng với Trung Quốc, các nhóm nhỏ như AUKUS và Squad, và quan trọng nhất là liên minh Mỹ - Nhật, sẽ quan trọng hơn nhiều so với Bộ Tứ", theo vị chuyên gia. AUKUS là quan hệ đối tác an ninh 3 bên giữa Mỹ, Anh và Úc.
Hải quân, không quân châu Âu dồn đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Theo nhà nghiên cứu Lisa Curtis tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, Squad không phải là phương án thay thế Bộ Tứ mà nên được coi là yếu tố bổ trợ. Khác biệt giữa Bộ Tứ và tứ giác mới nổi là sự hiện diện của từ "răn đe". Mặc dù mang tên chính thức là Đối thoại an ninh tứ giác, Bộ Tứ vẫn tránh xa các vấn đề an ninh. Các tuyên bố chung sau 3 hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ vừa qua đều đề cập "hòa bình" và "ổn định" tại khu vực nhưng chưa bao giờ đề cập khả năng răn đe. Chuyện này vốn nằm ngoài sự cân nhắc của Ấn Độ, quốc gia có truyền thống không liên kết, gần đây gọi là "tự chủ chiến lược".
Bình luận (0)