Mùa hè đến mang theo thời tiết nắng nóng, oi bức khủng khiếp nên việc tiết kiệm điện rất quan trọng. Vào buổi trưa, bầu trời TP.HCM và nhiều nơi như rực lửa vì hứng chịu những tia nắng dữ dội của mặt trời. Những lúc đó, máy lạnh, quạt và các thiết bị làm mát hoạt động hết công suất trở thành vị cứu tinh, giúp mọi người giảm bớt sự nóng bức.
Thế là hóa đơn tiền điện tăng vọt, nhiều nơi còn bị cúp điện luân phiên. Nhưng trải qua vài năm nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, nhà cháu vẫn mát mẻ như bình thường và tiền điện còn giảm nữa nhờ bố cháu, người luôn cải tiến việc dùng điện trong nhà để bảo vệ tiền điện gia đình và môi trường.
Bố cũng hay nhắc nhở chúng cháu và thay thế bằng bóng đèn tiết kiệm điện, đồng thời bố trí sao cho thuận tiện nhất. Ngoài ra, nhà cháu trồng rất nhiều cây xanh trong nhà và ở ban công, giúp không khí luôn trong lành, mát mẻ. Bên cạnh đó, bố cũng tạo nhiều cửa sổ và ô thông gió ở các phòng để lưu thông không khí và gió trời, nhất là phòng bếp nhà cháu, nơi đã từng là "hỏa ngục" vì phòng kín, khi đun nấu khí nóng không thoát được, làm mẹ cháu rất vất vả.
Giờ đây, bức tường ngăn được bố đập bỏ thông với giếng trời, một cửa sổ lớn hướng nam thường xuyên đón gió giúp căn phòng vừa sáng, vừa mát, ban ngày không phải bật quạt, bật đèn, cả gia đình quây quần dùng bữa mà không tốn nhiều điện cho đèn và quạt.
Cách đây ít lâu, bố cháu lắp lại máy bơm nước ở tầng 3 thay vì dưới tầng trệt. Cháu hỏi thì bố bảo: "Nhà mình nước tự đẩy lên tầng 3 nên mình có thể lắp bồn trữ và máy bơm tại tầng này, thay vì tầng trệt, do đó chỉ cần dùng máy bơm công suất nhỏ sẽ rất tiết kiệm điện và nâng cao tuổi thọ máy bơm".
Còn máy lạnh nhà cháu rất hiếm khi dùng, chỉ những buổi trưa cuối tuần hoặc buổi tối mùa hè thật nóng bức mới sử dụng. Khi dùng thì bật máy lạnh khoảng 26 - 27oC trong 3 giờ rồi tự tắt.
Buổi tối, nhà cháu thường đi dạo hoặc lên sân thượng nghỉ ngơi trước khi cháu học bài, giúp giảm việc dùng đèn, dùng quạt. Những lúc đó như được thả hồn theo mây, được cuốn trôi trên gió và được nghe bố kể những câu chuyện về mặt trăng, mặt trời, những ngôi sao, hành tinh rất thú vị. Còn ti vi được bố lắp thiết bị hẹn giờ, vừa tiết kiệm điện, vừa hạn chế xem nhiều để bảo vệ mắt cho cháu và các em.
Học theo bố, cháu và mẹ cũng đưa ra những ý tưởng tiết kiệm điện là nên mặc quần áo mỏng, ngắn tay, sáng màu. Mẹ cháu thường xuyên cắt tóc cho cả nhà nên rất thoải mái, mát mẻ. Tủ lạnh khi sử dụng thì hạn chế đóng mở nhiều lần, chỉ cất trữ những đồ ăn cần thiết. Khi dùng bếp thì ưu tiên sử dụng bếp từ vì đỡ nóng và tiết kiệm điện hơn so với bếp hồng ngoại. Khi vệ sinh nhà cửa, anh em cháu sẽ dùng chổi và chỉ dùng máy hút bụi cho những ngóc nghách, khe hẹp khó quét.
Cháu rất cảm ơn bố vì đã bảo vệ tiền điện cho gia đình, giúp cháu hiểu ý nghĩa của việc tiết kiệm điện đối với bảo vệ môi trường và ngôi nhà trái đất. Cháu mong mọi người sẽ cùng nhau xây dựng ý thức và thói quen sử dụng điện thật hợp lý, tiết kiệm.
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)