Trước đó, khi phong trào đi xe đạp nở rộ tại thủ đô vài năm gần đây, tôi cũng mua cho mình một chiếc, với suy nghĩ sẽ sắp xếp thời gian tập luyện mỗi ngày để tăng cường sức khỏe. Ở tuổi U.50, tôi nghĩ đạp xe thường xuyên sẽ không quá sức và mang đến những nguy cơ chấn thương như nhiều môn thể thao khác. Vậy là cứ mỗi cuối giờ chiều, tôi lại lôi xe ra và đạp từ nhà lên công viên Thống Nhất.
Ban đầu tôi chỉ đạp xe một cách thong dong 2 vòng, sau đó tăng lên 3 vòng và rồi 5 vòng. Với 1 vòng trong công viên khoảng 2,2km, tính ra tôi đạp mỗi ngày 11km.
Tôi đã duy trì thói quen đó trong một năm qua và cảm thấy sức khỏe của bản thân tốt hơn rất nhiều. Cơ thể gọn nhẹ, các cơ săn chắc và sức bền, sức chịu đựng tăng đáng kể. So với đi bộ, chạy bộ hay đánh cầu lông hoặc bóng bàn, tôi thấy đạp xe dễ chịu và thoải mái hơn nhờ vận động toàn bộ cơ thể, kiểm soát được nhịp tim, chưa kể không gian xung quanh thoáng đãng.
Tuy vậy, đợt nắng nóng kéo dài hồi tháng 6 vừa qua ở Hà Nội, khiến nhiều khu vực bị cắt điện luân phiên, đã đưa tôi đến quyết định coi chiếc xe đạp mà mình tập luyện hằng ngày như một phương tiện giao thông thực sự.
Thậm chí, tôi bán luôn chiếc xe máy điện đã gắn bó với mình trong hơn 2 hai năm, cũng như không sử dụng xe máy hay ô tô đến cơ quan nữa. Bởi đi xe đạp điện, xe máy điện hay ô tô điện có thể kinh tế nhiều hơn so với xe máy hay ô tô chạy xăng nhưng rồi nghĩ đến hiện tượng El Nino trong năm nay, tình trạng nắng nóng gay gắt trên toàn thế giới và nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, dẫn đến tình trạng cắt điện thời gian qua, việc sử dụng xe đạp điện, xe máy điện hay ô tô điện rõ ràng cũng không hiệu quả và hợp lý.
Vì thế, tôi quyết định đạp xe tới cơ quan nằm trên phố cổ Hà Nội. Khoảng cách từ nhà tôi đến đó là 4,5km, cả đi và về vẫn chưa bằng một buổi đạp xe tập luyện mỗi ngày của tôi. Nếu còn gì băn khoăn, đấy là tôi sẽ phải chấp nhận rời nhà sớm hơn và về nhà muộn hơn.
Thế nhưng, nghĩ đến những lợi ích lớn của việc đạp xe, như tiết kiệm tiền điện dành nạp cho xe máy điện hay tiền xăng, bảo dưỡng dành cho xe máy, ô tô, không gây ô nhiễm môi trường và dành chi phí đó cho những công việc quan trọng khác, tôi cảm thấy mình đã đúng khi thực hiện sự thay đổi này. Thêm nữa, dù thế giới và Việt Nam đều đang hướng đến việc sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh thì sử dụng xe đạp điện, xe máy điện hay ô tô điện cũng tiêu hao một lượng điện nhất định. Thậm chí là rất nhiều nếu tôi sử dụng xe thường xuyên. Rồi việc nạp điện cho xe mất khá nhiều thời gian, số km di chuyển bị giới hạn, chưa kể những rủi ro và nguy hiểm về cháy nổ nếu tôi để xe sạc điện qua đêm.
Nhìn lại hai tháng thay đổi thói quen của mình, ban đầu tôi cảm thấy một chút bất tiện vì việc di chuyển sẽ mất thời gian nhưng dần dần, tôi đã chủ động sắp xếp công việc để việc đạp xe không ảnh hưởng đến điều này. Và còn gì tuyệt vời hơn khi đạp xe vào sáng sớm mùa thu Hà Nội, đường phố mát mẻ, không quá đông đúc, hít thở một bầu không khí trong lành và rời cơ quan không phải trong cảnh tắc đường, ồn ào, bụi bặm.
Cũng vì những trải nghiệm tiết kiệm điện của bản thân, tôi đã khuyên cô con gái đến Trường THPT Việt Đức bằng xe đạp, thay vì đi xe buýt hoặc xe máy điện. Ngoài việc giúp con rèn luyện sức khỏe, nâng cao sức bền, sức chịu đựng, sự kiên nhẫn, tôi đã chỉ ra cho con những lợi ích của việc đạp xe nhằm tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường. Quan trọng và thú vị không kém, những buổi đạp xe cuối tuần của tôi giờ không còn buồn tẻ và nhàm chán nữa mà đã vui vẻ hơn khi đồng hành cùng tôi trong cả hành trình lại chính là cô con gái của tôi. Và những buổi đạp xe như thế, tôi lại có cơ hội giúp con tìm hiểu những danh lam, thắng cảnh của Hà Nội, đưa con làm quen với những con phố và nhiều khám phá mới về nơi sinh sống.
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)