Ghe hàng - một hình thức bán tạp hóa độc đáo ở vùng sông nước Tây Nam bộ. Vì địa hình ở vùng này chủ yếu là sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, sông này nối tiếp sông nọ nên ghe xuồng là phương tiện di chuyển chủ yếu. Bán tạp hóa trên ghe, người bán có thể đi sâu vào những xóm xa xôi, những khu dân sinh thưa thớt nằm bên bìa rừng, bên bờ sông mà ở nơi đó, người dân khó có thể đi chợ mỗi ngày.
Chợ nổi Cái Răng |
duy tân |
Chiếc ghe hàng, nhìn bé xíu vậy thôi chứ chất chứa trong đó cả một “tiệm tạp hóa” với mặt hàng đa dạng, đủ loại, từ những thứ đồ gia dụng như xoong nồi, thau, chén đến những loại thực phẩm quen thuộc: gạo, đường, muối, sữa, trứng, các loại bột, đậu hạt, rau củ tươi sống… thậm chí là cả thuốc men. Chúng tôi cần gì thì ghe hàng có thứ nấy. Mỗi khi tết đến, nếu không đủ điều kiện để ra chợ sắm tết thì ghe hàng cũng cung ứng đủ đồ dùng, thực phẩm để những xóm nghèo xa xôi heo hút có một cái tết ấm áp, trọn vẹn.
Ký ức của tôi gắn chặt với từng chuyến ghe hàng qua sông, ngang xóm tôi, ghe hàng nấn ná lại ở một bến sông nào đó. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn giữ trong lòng mình cái cảm giác nôn nao, háo hức đợi chờ chiếc ghe hàng về ngang qua, má kêu tôi xuống bến “ngoắt” ghe hàng lại (ngoắt: vẫy, gọi - phương ngữ Nam bộ). Mỗi ngày có tận hai, ba chuyến ghe hàng chạy theo những khung giờ khác nhau để lỡ trễ chuyến sáng thì có chuyến trưa, chuyến chiều, có cả những chuyến ghe hàng về ngang khi đêm dần buông trên những dòng sông chảy về tít tắp.
Tôi thích ngắm nhìn những chiếc ghe hàng chạy trên sông, ống khói khẹt ra những vệt khói trắng bảng lảng trên mặt sông động nước. Ngày nhỏ tôi thường hay xuống ghe hàng mua đồ cùng bà tôi. Ghe hàng nhỏ nhưng có đủ không gian để bà tôi xuống đó ngồi lựa những món đồ cần thiết để mua. Tôi nhớ hồi ấy xóm tôi chưa có điện, hôm nào má cũng sai tôi đón ghe hàng để mua dầu lửa, tối đến thắp sáng gian nhà. Nhiều hôm tôi mải chơi, thế là trễ mất chuyến ghe hàng, má rầy, đêm xuống tôi phải chạy sang nhà hàng xóm mượn đỡ chai dầu lửa rồi cun cút mang về, ngang qua khu vườn có ngôi mộ cổ, tôi sợ tim đập thình thịch trong lồng ngực. Có hôm má tôi cảm, sốt, tôi đón ghe hàng mua cho má liều thuốc. Hồi ấy tôi thấy cô bán đồ ở ghe hàng sao mà tài quá, cô đóng vai bác sĩ để kê đơn thuốc cho người bệnh trong xóm, dĩ nhiên là những thứ bệnh lặt vặt như cảm, ho, sổ mũi, nhức đầu, đau bụng… Cô thật “mát tay”!
Xâu cốm, bánh ngọt, túi rau câu trái cây, mấy hũ kẹo dẻo mềm, kẹo thổi bong bóng, kẹo socola… treo ở phía trước là niềm ao ước của đám trẻ con ở miền quê nghèo, trong đó có tôi. Tôi nhớ ngày xưa, mỗi lần bà xuống ghe hàng mua đồ tôi đều mon men theo. Tôi chỉ dám ngồi ở trên bờ nhìn xuống chứ không đòi bà phải mua quà bánh. Nhưng lúc nào cũng vậy, bà tôi thường mua cho tôi mấy viên kẹo, gói bánh, gói mì trẻ em hay hộp sữa cô gái Hà Lan để “bồi dưỡng”. Với tôi (và cả thế hệ chúng tôi - những người được sinh ra ở miền quê, ra đi từ mảnh đất nghèo nắng mưa lam lũ ấy), những thức quà trên là niềm mơ ước, và khi có được là hạnh phúc nhất trần đời. Những chiếc ghe hàng chở cả tuổi thơ tôi, giọng nói ríu ran của cô bán ghe hàng và tiếng lộc cộc của động cơ thường về qua xóm mỗi sáng, trưa, chiều hay tối ấy trở thành những âm thanh rất đỗi quen thương mà tôi không bao giờ quên được.
Tôi cứ nhớ mãi về cô bán hàng trên ghe hàng của tôi năm xưa, người phụ nữ hiền lành, đôn hậu, tuy cuộc sống cũng còn những lận đận gian truân nhưng nụ cười chẳng bao giờ vơi trên đôi môi. Cô nhân từ, nồng nhiệt, nếu ai đó không có tiền thì cô bán “chịu” (chịu: bán thiếu, trả tiền sau), khi nào có tiền thì trả lại cho cô. Những chiếc ghe hàng ấy đã gắn bó với xóm của tôi và những xóm xa xôi khác ở dọc dòng sông vùng Tây Nam bộ suốt một chặng đường dài, đến tận bây giờ. Tôi lớn lên, đi xa, mang theo trong tim bao ký ức về những chuyến ghe hàng xưa ấy. Tôi thầm cảm ơn những chiếc ghe hàng vì đã góp phần nuôi tôi cả “xác” lẫn “hồn”, để giờ đây, tôi vẫn đau đáu hướng về miền quê yêu dấu ấy!
Bình luận (0)