Mười tám tuổi, tôi xa quê đi học, cái không khí quê hương như nặng thêm trên mỗi cây số lùi xa phía sau lưng, giữ chút mùi vị yêu thương, dư vị quê hương, nơi dung chứa ta từ khi ra sanh ra cho đến khi đầy lông đủ cánh, rồi tung bay tìm về phương trời tri thức hoặc sinh nhai.
Chùa Hang, Châu Thành – Trà Vinh |
tgcc |
Về quê đó, hằng năm cũng hai ba lần tới lui, mà làm sao bù đắp được nỗi lòng xa xứ nhớ quê? Những khi mưa phất phơ giữa trời, hình bóng quê nhà lại ẩn hiện trong tâm thức, đâu đó là hàng cây xanh cao lớn, mái chùa rực sáng trong không gian cô tịch, tiếng chuông trống nô nức mỗi khi lễ tết.
Sinh ra và lớn lên ở nhà quê, cái không khí “chơn chất” đã thấm, đã nhiễm vào người tôi tự bao giờ? Không biết! Nhưng cái không khí đó đã là một phần máu thịt của tôi. Mỗi khi hồi tưởng lại, nhớ về nhà quê, nơi chôn nhau cắt rốn, nhà tôi phía trước là con lộ chạy cặp mé kinh lớn (kênh) được đào để thông thủy, dẫn thủy nhập điền. Ẩn hiện gợi về ký ức tuổi thơ, đâu đó là chiếc ghe lườn (ghe dạng độc mộc dài lớn) làm bằng cây sao rừng của ông ngoại để chở lúa, hình bóng tờ mờ sáng thiên hạ đua nhau đi chợ, ngồi quán ăn sáng, cà phê cà pháo, học trò loi nhoi đạp xe đi học.
Kinh lớn, nhà nào có ghe xuồng thì bơi phà phà, còn không thì phải lụy cái cầu tre “lắt lẻo khó đi”, tự nhỏ ở nhà quê này, ai mà không đi cầu tre - cầu khỉ, rung chân rung tay nhưng cũng phải tập quen để sống ở nhà quê chớ. Nhớ hồi bên kinh có người mua xe đạp, mỗi lần muốn xài phải vác qua cầu, nghĩ thôi đã thấy kinh hồn bạt vía, lỡ chân thì ôi thôi, bà Thủy độ!
Cống Láng Thé, Trà Vinh |
tgcc |
Nhà quê của tôi, xứ Trà Vinh, cái tên nghe mà cổ kính lắm, nào cây lớn, nào chùa cao, cái phong cảnh yên bình. Lúp xúp chỗ những đám cây lớn, tàn lá bề xề là một ngọn tháp vun vút, ẩn núp trong rừng cây đó là ngôi chùa Khmer hùng vĩ đầy màu sắc. Ở Trà Vinh có hàng trăm ngôi chùa như vậy, trầm mặc, huyền ảo. Chùa như là một dấu mốc văn hóa, lịch sử và kể cả là một khu dự trữ thiên nhiên: cây cối, chim chóc... Không gian chùa tạo sự gần gũi, bởi do vậy, có người lại khen Trà Vinh giữ được cốt cách xưa, mà cốt cách đó là những hàng cây và những ngôi chùa tuyệt mỹ. Rồi trong năm, đây là nơi tụ tập hoạt động của người dân, lễ tết, vui chơi đều ở chùa, nào các đám “Mần phước”, lễ “Xuất gia”, lễ “Dâng y”, các cuộc lễ mang đậm chất con người Trà Vinh hòa đồng và dễ chịu.
Chùa Tàu hay những hội quán, cung hay miếu của người Hoa dùng để thờ các vị thần thánh như Thiên hậu Thánh mẫu, Hiệp thiên Đại đế... đây là những công trình mang giá trị văn hóa lịch sử, đánh dấu sự gắn bó lâu dài của người Hoa tại Trà Vinh, kể ra có vài tên nổi tiếng như: Phước Minh Cung, Vạn Niên Phong Cung, Vạn Ứng Phong Cung, Minh Đức Cung,...
Bên cạnh chùa, còn có những ngôi đình đẹp như Long Đức, Vĩnh Trường hay Tri Tân, hoặc những ngôi đình tuy đơn sơ nhưng mang dấu ấn lịch sử văn hóa như Thanh Lệ, Minh Đức. Hằng năm đáo lệ cúng kiếng, người dân ai cũng nô nức đi coi “đám cúng đình”. Đình là thiết chế văn hóa gắn liền với đời sống dân cư của người Việt, nơi thờ Thành Hoàng hay các vị anh hùng. Văn hóa đình tại Trà Vinh cũng như khắp Nam Bộ, thể hiện sự tín ngưỡng và tri ân.
Những ngôi nhà thờ nằm rải rác trong tỉnh, một điểm xuyến văn hóa, kiến trúc, những tháp chuông, tiếng vang vọng xa xa. Nào là nhà thờ Trà Vinh, Mặt Bắc, Vĩnh Kim, những công trình còn sừng sững.
Ao Bà Om (Ao Vuông), Trà Vinh |
TGCC |
Ngoài kiến trúc, ai tới Trà Vinh cũng thấy có rất nhiều cây xanh, hay những khu vực thiên nhiên mang ấn tượng. Khu vực Ao Bà Om là nơi nổi bật về văn hóa, hội tụ đủ ba yếu tố: Thiên nhiên, kiến trúc, tâm linh; đây có thể coi là một nơi mang đậm nét cổ kính và trang nghiêm. Cổ bởi hồ nước thâm niên, rừng cây u tịch; trang nghiêm bởi các kiểng chùa, miếu. Gợi nhớ một Trà Vinh xưa, nằm trong lòng thành phố bởi những hàng cây, che phủ các con đường trong nội ô, nào đường Hàng Me, Hàng Sao... tạo bóng mát cho kẻ bộ hành. Ai muốn nghỉ mát, lại nhớ đến những dòng nước vỗ bờ của biển Ba Động, ngày đêm trỗi sóng dạt dào.
Ở nhà quê, đi xa mới nhớ quê! Nhớ phong cảnh quê, nhớ từng hàng cây tấc đất. Nhớ cái khổ của nhà nông, cái cực nhọc hun đúc cho ta lớn, mấy ai ở quê mà nhàn hạ, ai cũng tay liền tay chân liền chân, người nhà quê coi qua là thong thả, nhưng thiệt tình là “bù đầu bù cổ” mặt bán cho đất, lưng bán cho trời.
Mùa lúa! Một vụ, hai vụ hay ba vụ, quanh năm sống để lo cho lúa, sống nhờ lúa. Lúa lên, người gặt kẻ gánh, những cây đòn xóc nhọn hoắc gác trên đôi vai trần cháy nắng của người nhà nông; trâu kéo cộ, nước xâm xấp, từng bước từng bước khó khăn dưới sình ruộng quá gối; chở lúa ra kinh lớn, nào ghe xuồng, nào vỏ lãi mà đem về nhà, có khi từ sớm tới khuya mới về đủ. Tiếng máy tuốt lúa inh ỏi trong trời chạng vạng để kịp sớm mơi xổ ra phơi. Có máy rồi, bà con đỡ cực hơn xưa, ai là dân cố cựu mà nghe tới đập lúa tay hay đạp trâu đều ngao ngán lắc đầu chắc lưỡi. Một cặp trâu cổ (trâu đực lớn) được buộc vào nọc, xung quanh chất lúa lên thành một cái bả lớn, rồi cứ đi lòng vòng đạp cho rớt lúa ra, nghe thôi đã tội mấy anh “trâu” vừa cày ruộng, kéo cộ, nay phải đạp lúa. Lúa phơi gặp trời mưa tháng gió khổ lắm, lo che lo đậy, rồi khi vô bao hay dí bồ chờ khi nào giá cao bung ra bán kiếm thêm mớ lời để lo ăn lo ở. Giờ thì việc đồng ruộng tiện hơn, có máy gặt đập, bán lúa ướt, đỡ phải trông trời, trông nắng, trông mưa.
Nhà quê đó, nhà quê cực lắm, chớ đâu phải thong dong! Cực mà vui, cực để sống, để làm và cống hiến.
Mỗi lần đi xa, tôi đều cố ngắm nghía quê hương mình thêm xíu, cảnh vật vậy lại gợi tình khó nói, nào là những lò gạch cũ đã tắt lửa từ lâu, cống Láng Thé hằng ngày nước chảy xiết, nán lại xíu nhờ về ông Tri huyện Trà Vinh Bùi Hữu Nghĩa và người vợ “liệt phụ khả gia” Nguyễn Thị Tồn.
Càng xa càng nhớ, nhớ rồi lại càng yêu!
Đi đâu, tôi cũng muốn kể cho bè bạn nghe những câu chuyện về quê mình, từ ngọn cỏ cành cây, đến những nơi chôn dấu kỷ niệm con người. Bởi vậy mới thấy, quê hương là một phần huyết quản, là xúc tác cho cuộc sống, mang đến bao tri thức từ những giá trị vật chất hay tinh thần.
Nhà quê vẫn vậy, con người từ nhà quê lên thành thị, đi học hay đi làm, hằng sâu trong trái tim, là hình bóng quê nhà, để làm động lực mà xây dựng và phát triển quê hương dựa trên sự trân quý, yêu thương và chia sẻ.
Bình luận (0)