Đám đông biểu tình chống chính biến ngày 22.3 tiếp tục tuần hành khắp mọi nơi ở Myanmar, một ngày sau khi 8 người biểu tình bị bắn chết và hơn 50 người bị thương ở TP.Mandalay, theo AFP. Nhiều người dân, bao gồm cả giáo viên, diễu hành qua các con đường ở Mandalay, một số mang theo biểu ngữ kêu gọi LHQ can thiệp cuộc khủng hoảng.
Ngay từ sáng sớm 22.3, các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở TP.Yangon. Tại các khu trung tâm của Yangon, nhiều tài xế bóp còi xe ô tô để đáp lại lời kêu gọi trên mạng xã hội nhằm đánh dấu 1 tháng nổ ra biểu tình chống chính biến, theo Reuters.
Tại TP.Monywa thuộc miền trung Myanmar, một người đàn ông bị bắn chết và nhiều người bị thương trong cuộc đụng độ với lực lượng an ninh ngày 21.3. Nhiều cư dân mạng lên Facebook kêu gọi hiến máu. Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP) thống kê ít nhất 250 người thiệt mạng và hơn 2.600 người bị bắt giữ tại Myanmar kể từ cuộc chính biến ngày 1.2, theo Reuters.
Các nước phương Tây đã nhiều lần lên án cuộc chính biến và bạo lực ở Myanmar. Một số nước Đông Nam Á cũng đã bắt đầu lên tiếng. Reuters đưa tin ông Vivian Balakrishnan, Ngoại trưởng Singapore, ngày 22.3 bắt đầu chuyến công du lần lượt đến Brunei, Malaysia và Indonesia. Chuyến thăm diễn ra khi Indonesia và Malaysia kêu gọi một cuộc họp cấp cao để tìm giải pháp cho tình hình Myanmar. Brunei hiện là chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên.
Trong khi đó, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing ngày 20.3 đến thăm quần đảo Coco - một trong những tiền đồn chiến lược nhất của nước này, nằm cách Yangon khoảng 400 km. Ông nhắc nhở các binh sĩ tại đây rằng nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ đất nước khỏi những mối đe dọa từ bên ngoài, theo Reuters.
Chính quyền quân sự Myanmar đến nay vẫn thẳng tay trấn áp người biểu tình dù bị Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và LHQ lên án. Theo Reuters, EU ngày 22.3 thông qua loạt biện pháp trừng phạt đối với 11 quan chức quân đội Myanmar.
Cùng ngày 22.3, AFP đưa tin hai nhà tư vấn kinh doanh Úc đã bị bắt giữ khi tìm cách rời Myanmar, song không rõ lý do. Bộ Ngoại giao Úc xác nhận đang hỗ trợ lãnh sự đối với 2 công dân ở Myanmar.
Liên doanh quốc tế đình chỉ dự án đập thủy điện ở Myanmar
Hãng AFP ngày 22.3 đưa tin một liên doanh quốc tế vừa đình chỉ dự án đập thủy điện trị giá 1,5 tỉ USD ở bang Shan (Myanmar) nhằm phản ứng việc quân đội tiến hành chính biến hôm 1.2. Đại diện Công ty điện lực Electricite de France (EDF) cho hay dự án bị đình chỉ là đập thủy điện Shweli-3 với công suất dự kiến là 671 MW. EDF là thành viên trong liên doanh, cùng Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Công ty Ayeyar Hinthar (Myanmar).
|
Bình luận (0)