Theo The Washington Post, sự phát triển của ChatGPT đã khiến Microsoft đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI, trong khi nhiều nhân viên đã và đang làm việc tại Google và Meta cũng thực sự quan tâm đến ChatGPT. Họ cho rằng ChatGPT đang thực sự gia tăng áp lực trong lĩnh vực AI lên các doanh nghiệp Big Tech. Tại Meta, bản ghi nhớ nội bộ cho thấy họ đang tăng tốc quy trình phê duyệt AI để tận dụng công nghệ mới nhất. Trong khi đó với Google, hãng đã ban hành các mã xung quanh việc tung ra các sản phẩm AI và đề xuất rút ngắn quá trình đánh giá và giảm thiểu các tác hại tiềm ẩn bởi AI.
ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot do OpenAI phát triển. Nó được xây dựng dựa trên GPT-3.5, một dòng mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI, được tinh chỉnh bằng cả kỹ thuật học tăng cường lẫn kỹ thuật học có giám sát. Kể từ khi ra mắt vào tháng 11.2022, nó nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ việc có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau. Hạn chế duy nhất ở ChatGPT là độ chính xác không đồng đều về dữ kiện thực tế của nó.
Trong thực tế, đây cũng là mô hình được một số công ty Big Tech triển khai trong quá khứ, nhưng các sự cố liên quan đã khiến họ phải chậm chạp hơn trong việc phát triển. Ví dụ, vào năm 2016, Microsoft đã phải gỡ bỏ Tay trong vòng chưa đầy một ngày ra mắt do những kẻ troll đã khiến chatbot này liên tục bị lôi kéo vào các vấn đề xấu. Hay Meta gỡ bỏ Galactica vào tháng 11.2022 do những bản tóm tắt nghiên cứu khoa học không chính xác, mặc dù vẫn bảo vệ Blenderbot bất chấp những lời phân biệt chủng tộc vào tháng 8.2022.
ChatGPT làm được gì mà gây bão toàn cầu?
Vấn đề với ChatGPT là nó mang đến cảm giác mới mẻ hơn, thú vị và có ít lỗi trong các nội dung phản hồi hơn so với các công ty đương nhiệm. Ngoài ra, công chúng dường như sẵn sàng chấp nhận ChatGPT do ít sự giám sát hơn.
Sự trỗi dậy của ChatGPT, kết hợp với cổ phiếu công nghệ đang lao dốc buộc các doanh nghiệp Big Tech quyết định sẵn sàng chấp nhận rủi ro danh tiếng của mình. Khi Alphabet sa thải 12.000 nhân viên, CEO Sundar Pichai cho biết công ty đã tiến hành đánh giá nghiêm ngặt để tập trung vào các ưu tiên cao nhất của mình, với hai lần đề cập đến các khoản đầu tư ban đầu vào AI.
Google đã mua phòng thí nghiệm AI tiên tiến DeepMind vào năm 2014 và mã nguồn mở phần mềm máy học TensorFlow vào năm 2015. Thậm chí, vào năm 2018, Google đã công bố các nguyên tắc AI sau khi vấp phải sự phản đối của nhân viên đối với dự án Maven. Vì vậy, công ty thực sự muốn thể hiện tầm quan trọng của mình trong làn sóng AI. Tuy nhiên, tham vọng này bị thách thức sau khi các nhà nghiên cứu AI hàng đầu của họ đã rời khỏi công ty trong khoảng một năm trở lại đây để khởi nghiệp các startup AI riêng.
Phản ứng của Google thực sự rất cần thiết trong bối cảnh giới công nghệ dự đoán trí tuệ nhân tạo tổng quát sẽ đánh dấu sự sụp đổ của Google Tìm kiếm. ChatGPT cung cấp các câu trả lời đơn giản theo cách dễ tiếp cận và không yêu cầu người dùng tìm kiếm thông qua các liên kết màu xanh lam. Bên cạnh đó, giao diện tìm kiếm của Google đã trở nên cồng kềnh với các quảng cáo và các nhà tiếp thị đang cố gắng đánh lừa hệ thống. Khó khăn của Google đó là mô hình trả lời kiểu ChatGPT có thể ảnh hưởng đến nguồn doanh thu từ các nguồn quảng cáo khi người dùng không còn nhấp vào các liên kết nữa. Công ty cũng không muốn đảm nhận vai trò và trách nhiệm cung cấp các câu trả lời đơn lẻ - điều đã được thể hiện khi hãng rất thận trọng trong việc triển khai tính năng "Câu trả lời tức thì" trong Google Tìm kiếm.
Mặt khác, sau khi ChatGPT được phát hành, có lẽ Google đã thấy khả năng kiếm tiền từ các mô hình này như là sự thay đổi trong sản phẩm tiêu dùng thay vì chỉ tập trung vào tăng sức mạnh tìm kiếm hoặc quảng cáo trực tuyến. Khi mối đe dọa với hoạt động kinh doanh cốt lõi hiện diện, Google phải chấp nhận mạo hiểm.
Bình luận (0)