Big Tech Trung Quốc mất đi sức hút với giới trẻ

26/12/2021 10:22 GMT+7

Từng được coi là tấm vé vàng đảm bảo cho tương lai, nhưng giờ đây nhiều người trẻ Trung Quốc đã không còn mặn mà với việc có được một chỗ trong những công ty công nghệ lớn nhất đại lục.

Xiang Zikui, một phụ nữ sống ở Thâm Quyến, làm việc cho bộ phận trò chơi tại một trong những công ty internet lớn nhất Trung Quốc, cho biết cô đã sốc khi nghe về việc sa thải quy mô lớn tại iQiyi, thường được ví là Netflix của Trung Quốc. Công ty thuộc sở hữu của Baidu, điều hành một trong những nền tảng phát video trực tuyến lớn nhất đại lục, được cho là đã cắt giảm hơn 30% lực lượng lao động tại một số bộ phận chi phí cao hồi đầu tháng này, trong một làn sóng sa thải dự kiến ​​sẽ tiếp diễn đến Tết Nguyên đán. South China Morning Post đưa tin, những nhân viên bị sa thải được đề nghị bồi thường dựa trên số năm họ phục vụ, cộng với một tháng lương.

Các công ty internet không còn là lựa chọn đầu tiên của người trẻ Trung Quốc cho công việc nữa

Reuters

Cả Baidu và iQiyi đều không bị nhắm mục tiêu trực tiếp bởi việc tăng cường kiểm soát kéo dài một năm của Bắc Kinh nhằm vào các gã khổng lồ công nghệ trong nước, nhưng cắt giảm việc làm phản ánh một môi trường làm việc tổng thể khó khăn hơn đối với các công ty internet, đặc biệt trong bối cảnh quy định ngày càng thắt chặt hơn, giám sát nội dung nhiều hơn và không khoan nhượng với hoạt động độc quyền.

“Việc sa thải có thể liên quan nhiều đến xu hướng chung của ngành. Hiện nay có nhiều quy định chặt chẽ về nhiều thứ, bao gồm trò chơi, quảng cáo trực tuyến và mọi thứ liên quan đến quyền riêng tư. Điều này khiến tôi cảm thấy ngành công nghệ có thể đã gặp phải điểm tắc nghẽn”, Xiang Zikui nói.

“Thay đổi tâm trạng” trong ngành công nghệ của Trung Quốc là thật sự hiện hữu và đột ngột sau một thập niên tăng trưởng ngoạn mục, nhờ vào quy định lỏng lẻo và nguồn vốn dễ dàng. Đối với lực lượng nhân viên công nghệ có tay nghề cao từ các trường đại học ưu tú nhất nước, những người từng được các gã khổng lồ công nghệ tranh giành với mức lương cao, thì sự không chắc chắn về tương lai ngày càng cao.

“Hiện có nhiều người xung quanh tôi nói rằng các công ty internet không còn là lựa chọn đầu tiên của mọi người cho công việc nữa. Một số người bây giờ muốn làm việc cho các công ty nhà nước hoặc thi tuyển công chức”, Xiang Zikui cho biết.

Theo khảo sát được thực hiện bởi nền tảng tìm kiếm việc làm Lagou của Trung Quốc, chưa đến một nửa số nhân viên tại các công ty internet của nước này hy vọng nhận được tiền thưởng vào cuối năm nay. Một báo cáo khác của Lagou mới được công bố cho thấy, nhu cầu về nhân tài từ các công ty internet lớn vào tháng 11.2021 đã giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xem xét lại định hướng nghề nghiệp

Mặc dù nhiều nhân viên của Big Tech mà South China Morning Post phỏng vấn nói rằng công việc hằng ngày của họ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi quy định của chính phủ, nhưng một số người đang xem xét lại định hướng nghề nghiệp tương lai của họ. Feng Xing, kỹ sư phần mềm ở Thành Đô làm việc tại một công ty nhà nước, cho biết nhiều đồng nghiệp mới gia nhập vào công ty của anh đến từ các công ty internet lớn.

Theo Feng Xing, yếu tố góp phần cho xu hướng chuyển việc là độ tuổi trần 35 huyền thoại của ngành công nghiệp internet Trung Quốc, nơi những người trên 35 tuổi thường bị các nhà tuyển dụng xa lánh và có nguy cơ cao bị sa thải trong các đợt cắt giảm chi phí, trừ khi họ đã thăng chức lên hàng ngũ quản lý cấp cao. Kelly Huang, hiện ở độ tuổi 30, từng làm việc tại một trong những nền tảng phát trực tiếp hàng đầu Trung Quốc, nói rằng kế hoạch kiểm soát của Bắc Kinh gần như đã dập tắt mong muốn tham gia vào ngành công nghiệp phát trực tiếp (live-streaming) của mọi người, nó hoàn toàn trái ngược với thời điểm cô gia nhập công ty vài năm trước, khi khả năng của lĩnh vực này dường như là vô hạn.

Những tháng gần đây, phát trực tiếp đã liên tục bị chính phủ Trung Quốc chỉ trích vì cho phép phổ biến nội dung thô tục, số lượng truy cập và đánh giá mờ ám, cũng như hành vi đưa ra mức giá không rõ ràng giữa những người có ảnh hưởng hàng đầu. Chỉ trong tuần này, “nữ hoàng livestream” Huang Wei, thường được gọi là Viya, đã nhận khoản tiền phạt kỷ lục 1,34 tỉ nhân dân tệ (khoảng 210 triệu USD) từ cục thuế địa phương vì tội trốn thuế.

“Tôi sẽ không nói rằng đã có một cuộc di cư của nhân viên tại công ty vào thời điểm này. Nhưng có vẻ tất cả mọi người đang cố gắng làm thế”, Kelly Huang nói. Triển vọng suy giảm đối với ngành công nghiệp internet đã tàn phá tinh thần, khiến Kelly Huang cuối cùng đã phải rời bỏ công việc cũ và gia nhập một công ty phần cứng.

Người dùng internet cũng bị ảnh hưởng

Không chỉ người lao động bị ảnh hưởng bởi “cú đấm sắt” của Bắc Kinh vào lĩnh vực công nghệ, người sử dụng dịch vụ internet cũng phải sửa đổi hành vi để tuân thủ quy định mới. Tháng 8.2021, các nhà quản lý Trung Quốc cấm trẻ em dưới 18 tuổi chơi game hơn ba giờ một tuần, kèm theo đó là quyết định đóng băng việc cấp giấy phép cho các trò chơi điện tử mới.

Chính quyền Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố muốn ngăn chặn chứng nghiện chơi game và muốn quảng bá nội dung tích cực trong giới trẻ quốc gia. Tuy nhiên, đối với Eason Shan, thiếu niên 14 tuổi sống ở tỉnh Chiết Giang, điều này không khác gì việc phải thay đổi lối sống. “Sau khoảng thời gian nhất định, tôi không thể chơi game thêm nữa. Tất nhiên chúng tôi rất tức giận khi chính sách được công bố, chúng tôi không muốn chấp nhận nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác”, Eason Shan nói.

Để vượt qua giới hạn do chính phủ áp đặt, một số trẻ em đã cố gắng sử dụng nhiều cách giải quyết khác nhau, chẳng hạn như dùng tài khoản của cha mẹ. Evan Liang, học sinh trung học 14 tuổi, cho biết quy định khắt khe hơn của Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều đến thói quen chơi game của cậu. “Hầu hết trẻ em đều có quyền truy cập vào tài khoản người lớn, tôi cũng vậy. Mọi người đã bí mật đăng ký tài khoản người lớn bằng cách ăn cắp và sử dụng ID của cha mẹ”.

Giới quản lý của đại lục đã lường trước điều đó và đưa nó vào trong tầm ngắm. Trong năm nay, chính phủ nhiều lần triệu tập các công ty game để đưa ra luật về việc thực thi hạn chế chơi game và ngăn chặn những hành vi như vậy.

Trung Quốc cũng tăng cường giám sát nội dung trực tuyến. Xiuli Zhou, người dùng internet tại Thượng Hải, nói rằng cô cảm thấy việc kiểm soát nội dung trực tuyến đã được thắt chặt đáng kể trong năm nay. Là người dùng cuồng nhiệt của nền tảng truyền thông xã hội Douban, diễn đàn tự do để tập hợp và thảo luận về phim, sách cùng các vấn đề thời sự, Xiuli Zhou ngày càng cảm thấy khó giao tiếp với người khác sau khi nền tảng này tạm dừng chức năng trả lời trong các nhóm thảo luận.

Đầu tháng này, Douban cùng với 105 ứng dụng khác đã bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng, vì cáo buộc vi phạm quyền riêng tư dữ liệu sau khi bị các cơ quan quản lý phạt với lý do “phát hành thông tin bất hợp pháp”. Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) cũng triệu tập và phạt Weibo vì tội liên tục cho phép “thông tin bị cấm theo quy định của pháp luật”. Được biết, Weibo đã bị phạt tổng cộng 44 lần từ tháng 1 đến tháng 11.2021, với tổng số tiền phạt là 14,3 triệu nhân dân tệ.

Tài khoản của Zhou trên Weibo đã bị cấm đăng bài mà không có lý do rõ ràng. “Kết quả là tôi phải liên tục tự kiểm duyệt bản thân”, Zhou nói. Cô tiết lộ phải dùng bính âm (pinyin) hoặc dùng bảng chữ cái Latin để viết tiếng Quan thoại (romanised Mandarin), một trong nhiều phương pháp cư dân mạng Trung Quốc sử dụng để vượt qua kiểm duyệt trực tuyến. “Đó là một rắc rối lớn. Cảm giác rất khó chịu”.

Đặt vấn đề kiểm duyệt sang một bên, Zhou nghĩ rằng nhiều chính sách điều chỉnh ngành công nghiệp internet trong năm nay xuất phát từ ý tốt và sẽ nâng cao sự phát triển của ngành. Tuy nhiên, cần phải rõ ràng hơn về các làn ranh đỏ và những gì người dùng internet có thể làm.

“Đó là đặc điểm của các chính sách quốc gia, họ nâng bạn lên rồi hạ thấp bạn xuống. Họ điều khiển bạn để khiến bạn phát triển với tốc độ ổn định. Họ không cho phép bạn tiếp tục mở rộng”, Feng Xing, kỹ sư phần mềm tại một công ty nhà nước, nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.