Sáng 22.9, UBND H.Bình Chánh, TP.HCM phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển tổ chức hội thảo đề án đầu tư xây dựng H.Bình Chánh thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030.
Đại diện nhóm nghiên cứu đề án của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nêu tiêu chuẩn phân loại đô thị của quận phải có ít nhất 10 phường, trong khi Bình Chánh mới chỉ có 6 xã, thị trấn (Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Tân Túc và An Quý Tây) tiệm cận với tiêu chuẩn của phường. Có ít nhất 4 xã gồm Hưng Long, Đa Phước, Quy Đức và Bình Lợi là xã nông nghiệp, trong dài hạn cũng không đạt tiêu chuẩn đô thị phường.
Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất hướng phát triển lên thành phố trực thuộc TP.HCM sẽ phù hợp với điều kiện thực tế của Bình Chánh.
TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng để đạt mục tiêu lên thành phố, địa phương phải tận dụng và phát huy thế mạnh các đường giao thông, liên kết vùng với Long An và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Song song đó, Bình Chánh cần tận dụng đất đai các khu công nghiệp, điều chỉnh mục đích sử dụng đất nông nghiệp để giải quyết bài toán nhà ở, nâng chất nông thôn mới ứng phó biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường…
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh nói huyện đặt phấn đấu phát triển lên thành phố vào năm 2025. Địa phương cũng đi thực tế tìm hiểu một số thị xã đã lên thành phố.
Ông Nam cho biết Bình Chánh ở vị trí cửa ngõ, giống như "khớp nối" giữa TP.HCM với 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long. Dù vậy, so với cửa ngõ phía đông là TP.Thủ Đức thì bộ mặt đô thị, hạ tầng chưa xứng tầm. Trong khi đó, địa phương đối mặt với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, bình quân mỗi năm đón thêm 40.000 dân nhập cư.
Một đặc điểm khác được ông Nam nêu ra là vị trí địa lý có chiều ngang hẹp nhưng dài 60 km, chia thành 3 khu vực: trung tâm, phía bắc và phía nam với đặc trưng phát triển riêng biệt.
Bình Chánh có thể lên thành phố trong tương lai gần
Các ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý nêu tại hội thảo đều ủng hộ H.Bình Chánh phát triển lên thành phố để khai thác hết tiềm năng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, dân số và đặc điểm đô thị.
Ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM, cho rằng cần phân tích kỹ Bình Chánh vẫn ở huyện thì TP.HCM được gì, mất gì, và nếu lên thành phố thì điều gì xảy ra với TP.HCM.
Trong mối liên kết vùng, Bình Chánh giáp Long An và tỉnh này có hai tuyến vành đai lớn (Vành đai 3 và Vành đai 4), một tuyến nối kết với đường Nguyễn Văn Linh với 6 làn xe. H.Cần Giuộc đang có đề án lên thành phố, Bình Chánh vẫn là vùng trũng.
"Điều gì xảy ra khi tất cả các vùng là Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước của Long An lên đô thị 1", vị chuyên gia này đặt vấn đề và lo ngại khi đó Bình Chánh tiếp tục là vùng trũng.
Dẫn chứng câu chuyện TP.Thủ Đức thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận cũ (2, 9 và Thủ Đức), KTS Nguyễn Trường Lưu cho rằng đơn vị tư vấn và lãnh đạo huyện nên có góc nhìn thoáng hơn ra khu vực lân cận, đó là gộp Q.7, khu đô thị nam thành phố và Bình Chánh để lên thành phố.
"Nếu không lên thành phố thì không chỉ là thiệt thòi của Bình Chánh mà còn là thiệt thòi cho TP.HCM", KTS Lưu nói thêm.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM nói đồng tình với phương án phát triển lên thành phố của Bình Chánh vì điều kiện thuận lợi về vị trí, dân số, diện tích, đặc biệt việc có xã trong thành phố là điều rất quý. Dù vậy, địa phương đối mặt với hạ tầng giao thông yếu, ô nhiễm môi trường, đô thị hóa nhanh nhưng tự phát.
Bà Thảo nhìn nhận nếu có giải pháp về quy hoạch và thiết kế đô thị tốt, thì triển vọng phát triển thành phố của Bình Chánh sẽ ở trong tương lai không xa, không phải chờ đến năm 2030.
Ông Vương Quang Hưng, Trưởng phòng Xây dựng Sở GTVT TP.HCM đề xuất Bình Chánh cần nghiên cứu thêm các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy kết nối vùng để cập nhật vào quy hoạch vì nếu không có quy hoạch thì không đầu tư được.
Riêng với đường thủy, ông Hưng đánh giá địa phương có tiềm năng lớn nên cần làm lại quy hoạch đường thủy. Hiện nay, lãnh đạo TP.HCM rất quan tâm đến kinh tế sông, dự kiến triển khai trước tuyến sông Sài Gòn từ bến Bạch Đằng đến Tây Ninh.
Bình luận (0)