Binh chủng tàu ngầm Việt Nam: Chuyên nghiệp từng thủy thủ

Đến giờ thì căn cứ tàu ngầm ở Cam Ranh (Khánh Hòa) đã có đủ từ trung tâm huấn luyện hiện đại cùng dãy nhà ăn ở khang trang, khu thể thao đa năng, bệnh xá...

“Năm 1986, khi chúng tôi từ Liên Xô (cũ) về Cam Ranh chờ nhận tàu ngầm diezen project 613, nơi đây chỉ có 2 cầu cảng với các thiết bị cũ kỹ. Giờ vào lại Cam Ranh, thấy cầu cảng được xây dựng lại và những tàu ngầm Kilo 636 thế hệ mới sừng sững neo đậu. Niềm mơ ước của lứa thủy thủ tàu ngầm VN 35 năm trước đã thành hiện thực”, trung tướng Trần Quang Khuê, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng QĐND VN, xúc động nói.
Lính tàu ngầm đi… làm đường
Đại tá Nguyễn Đôn Hòa trước khi rời ghế Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật hải quân về nghỉ hưu tại TP.HCM đã có nhiều năm làm Chủ nhiệm kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, nên rất rành rẽ những chuyện của đơn vị tàu ngầm 182 ngày xưa và 189 ngày nay.
Ông Hòa kể đầu tháng 5.1986, khung hải đội và kíp thủy thủ khung tàu 1 về nước, mọi người nghỉ phép được chừng 3 tuần thì có lệnh tất cả tập trung sớm tại TP.Hải Phòng để nhận nhiệm vụ. Tại đây, toàn đơn vị được động viên, quán triệt nhiệm vụ, sau đó hành quân vào căn cứ quân sự Cam Ranh (Khánh Hòa) để xây dựng “căn cứ tàu ngầm". Thời điểm đó, cơ sở vật chất ban đầu bảo đảm cho tàu ngầm hoạt động gần như là con số 0.
“Thời gian đầu thì còn lạc quan tin tưởng lắm, nhưng đợi từ tháng này sang tháng khác vẫn không thấy tàu về, một số anh em bắt đầu nảy sinh bệnh tư tưởng này nọ. Chỉ huy hải đội phải đưa ra việc “rèn luyện thể lực” bằng cách... hành quân chạy bộ. Thậm chí, bộ đội tàu ngầm còn phải vác cuốc xẻng, xà beng làm đường trong căn cứ”, đại tá Hòa kể. Chờ lâu sợ… hỏng tay, chỉ huy đơn vị phải đề nghị cho bộ phận vũ khí dưới nước, do đại úy Lê Khắc Khánh (trưởng ngành 2), về xưởng trạm ngư lôi Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân để thực tập và ôn luyện cho... đỡ quên thao tác.
Đại tá Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Bảo đảm hàng hải Quân chủng Hải quân, nguyên Phó thuyền trưởng khung tàu ngầm 1, hồi tưởng những năm 1986 - 1987, tình hình kinh tế đất nước càng khó khăn, công tác bảo đảm kỹ thuật và đời sống bộ đội rất vất vả. Tháng 10.1987, Hải đội tàu ngầm 182 bị giải thể kết thúc nhiệm vụ. Một số được điều động về các đơn vị hải quân, phần lớn thủy thủ phục viên xuất ngũ… “Ai cũng luyến tiếc bởi bao năm tuyển chọn, đào tạo công phu mới được đội ngũ cán bộ, thủy thủ tàu ngầm có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đầy tâm huyết. Sự nuối tiếc đeo đẳng chúng tôi suốt mấy chục năm, mãi tới khi Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh ký Quyết định số 2180/QĐ-BQP (20.6.2011) thành lập Lữ đoàn tàu ngầm 189, anh em mới yên tâm”, đại tá Thịnh kể.
Hiện đại như 189
Trung tướng Trần Quang Khuê, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng QĐND VN, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân, gắn bó với các hoạt động thăng trầm của binh chủng tàu ngầm VN gần như cả đời binh nghiệp. Năm 1982, khi Hải đội tàu ngầm 182 được thành lập, ông đeo cấp hàm đại úy hải đội trưởng và đầu những năm 2000, ông được Bộ Quốc phòng giao trực tiếp tham gia xây dựng đề án thành lập binh chủng tàu ngầm, đặc trách các công việc liên quan đến tổ chức triển khai, kiểm tra nghiệm thu… từ đào tạo huấn luyện cho đến tiếp nhận bố trí thiết bị khí tài của Lữ đoàn tàu ngầm 189. “Lẽ ra tôi nghỉ hưu năm 2009, nhưng vì thành lập đơn vị tàu ngầm mà Bộ giữ lại đến 2014, khi đã tiếp nhận 2 tàu Kilo 636 đầu tiên và anh em đặc trách quen việc, tôi mới được nghỉ”, trung tướng Khuê cười và tâm đắc: “Hồi xưa chúng tôi học tàu ngầm 613 toàn theo phương pháp thủ công. Giờ bộ đội được huấn luyện mô phỏng với trang thiết bị hiện đại từ ở trên bờ, vừa đảm bảo tuổi thọ trang thiết bị, vừa sát với thực tế chiến đấu”.
Gần 2 năm sau ngày Bộ Quốc phòng ký quyết định thành lập, ngày 29.5.2013 tại Cam Ranh, Quân chủng Hải quân mới công bố thành lập Lữ đoàn tàu ngầm 189 với nhiệm vụ tiếp nhận huấn luyện, làm chủ các tàu ngầm Kilo 636 và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu được giao. Trước đó, các đơn vị hải quân cũng lần lượt được tiếp đón các đoàn công tác về tuyển chọn cán bộ chiến sĩ vào bộ đội tàu ngầm. Ngoài các kiểm tra thông thường, thủy thủ tàu ngầm phải thực hiện bài kiểm tra tiền đình và khả năng chịu được áp lực lớn.
Đại tá Lê Đăng Vân, Phó giám đốc Viện Y học hải quân kể: “Thí sinh được đưa lên vòng xoay hoặc ghế xoay. Sau 10 phút quay nếu vẫn đủ tỉnh táo và thăng bằng để trở về bàn giám khảo, trả lời chính xác các câu hỏi thì mới đạt yêu cầu về tiền đình”. Do thủy thủ phải đủ sức khỏe và thể trạng tốt để chịu được áp lực lớn bên trong tàu ngầm khi lặn ở độ sâu hàng trăm mét, nên bài kiểm tra áp lực rất tỉ mỉ: 3 - 5 thí sinh được đưa vào thùng kín, khí được đưa vào thùng liên tục (tương đương với áp suất ở dưới nước). Không khí trong thùng sẽ trở nên quánh đặc nếu như tiếp tục được bơm vào và khi đó các thí sinh thay vì hít thở, phải “uống” từng luồng khí. Nếu quá sức chịu đựng, có thể bấm nút xin ra ngoài...
Đến giờ thì căn cứ tàu ngầm ở Cam Ranh đã có đủ từ trung tâm huấn luyện hiện đại cùng dãy nhà ăn ở khang trang, khu thể thao đa năng, bệnh xá... Chính ủy Lữ đoàn tàu ngầm 189 Nguyễn Hữu Minh khái quát: Sáng dậy là thủy thủ tàu ngầm phải chạy 3.000 m, sau đó mới vệ sinh cá nhân, ăn sáng, rồi xuống tàu huấn luyện chuyên sâu. Buổi chiều, các thủy thủ phải luyện bơi, đi cầu sóng, quay lồng sắt, bóng chuyền... Duy nhất trong các đơn vị QĐND VN, Lữ đoàn tàu ngầm 189 được đầu tư 10 sân bóng chuyền, 2 sân bóng rổ, 1 bể bơi lớn, 2 sân tennis, 4 sân bóng đá mini, 3 bãi thể thao đặc chủng.
Tự huấn luyện thủy thủ
Đầu tháng 1.2017, khi làm việc với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, đại tá Hoàng Lương Ngọc, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 189 Hải quân, cho biết ngoài huấn luyện cho các kíp tàu ngầm chính, lữ đoàn đã đào tạo thành công kíp tàu ngầm số 7. Các thủy thủ của kíp tàu này đủ khả năng đảm nhiệm thay thế các kíp tàu ngầm chính thức. “Hiện lữ đoàn tiếp tục đào tạo thêm 2 kíp tàu ngầm mới. Chúng ta đủ năng lực và khả năng đào tạo các thủy thủ tàu ngầm mà không cần phải gửi đi học ở nước ngoài”, đại tá Ngọc khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.