“Chú cứ chở cháu tới nhà làm bánh cáy ngon nhất ở đây”, chúng tôi đề nghị một người lái xe ôm tóc hoa râm ở thị trấn Đông Hưng, Thái Bình.
Người đàn ông gật đầu lia lịa, tay đưa mũ bảo hiểm, miệng nói liến thoắng: “Vậy tới một nhà này, chồng tên Đức, vợ tên Thu, con bé còn trẻ, học nghề làm bánh cáy của ông bà nhưng ngon nhất ở đây”. Đó, những bước chân đầu tiên của chúng tôi ở làng Nguyễn, nức tiếng bánh cáy Thái Bình là thế.
Bánh cáy được cắt thành từng lát mỏng, pha một ấm trà nóng, nhâm nhi miếng bánh cáy để cảm nhận được một thức quà quê ngon bình dị.
|
Làng Nguyễn đặc trưng nhất là gì? Trái ngược với tưởng tượng của nhiều người là một làng quê bình yên với đồng lúa, cây đa, giếng nước, làng Nguyễn sầm uất với những mái nhà cao tầng trang khang, đường làng trải bê tông tít tắp, những công xưởng làm bánh cáy với máy móc tự động, bốn mùa chạy rầm rầm. Đừng đi qua làng vào ngày đói bụng. Dấu hiệu nhận biết rõ nhất làng nghề này đó là từ đầu làng đã ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt của nếp, đường, vừng, lạc.
Chị Thu, người cùng chồng sáng lập thương hiệu bánh cáy Thiên Đức ở làng Nguyễn chỉ cho chúng tôi gian nhà xưởng khang trang chị và chồng mới dựng được, nhờ chính món bánh cáy gia truyền của gia đình làm nhiều năm nay.
“Chúng tôi ban đầu làm bánh thủ công, bán ra với số lượng ít, nhưng bây giờ các đơn hàng có mặt ở khắp cả nước, chúng tôi mở rộng xưởng, sản xuất bánh trên các dây chuyền tự động, chỉ còn một số phần sơ chế nguyên liệu thì làm bằng tay”, chị Thu nói.
Những ai đã từng ăn bánh cáy Thái Bình một lần trong đời khó có thể quên được vị dẻo thơm của nếp, đường, vừng, lạc, hòa quuyện với các loại mứt bí, mứt dừa, hạt sen, mỡ phần. Bánh cáy Thái Bình không như lầm tưởng của nhiều người phải làm từ trứng của con cáy sống ở dưới biển. “Cáy” là tên gọi của một thành phần đặc biệt trong bánh, được làm từ xôi nếp chiên vàng.
“Cáy là phần khó nhất, kỳ công nhất của món bánh này. Đồ xôi cho chín, cán mỏng xôi, cắt thành từng viên nhỏ rồi sấy khô. Sau đó đem chiên phồng số “cáy” này lên”, chị Thu cho biết.
Trong bánh cáy, cũng không thể thiếu “nẻ”, phần thóc nếp được rang, cho bung nở phần cơm xốp, đãi sạch các vỏ trấu, được phần nẻ ăn thơm, ngọt.
Bánh cáy nhất thiết phải có mỡ ướp đường. Mỡ khổ, chọn phần mỡ lợn (mỡ heo) tươi rồi luộc chín, cắt hạt lựu rồi ướp đường, để trong lọ kín khoảng 3 ngày.
Bánh cáy là sự nhào trộn khéo léo tất cả các nguyên liệu trong đường, trên một nhiệt độ nhất định để chúng kết dính lại với nhau. Dưới sự hiện đại của máy móc, bánh được ép chặt lại thành từng khối hình chữ nhật.
“Phần bánh cáy ngon là chỉ cần nhấc lên đã thấy nặng. Đừng ham rẻ để mua những khúc bánh cánh nhẹ hều, đặt trong những chiếc hộp rõ to”, một người thợ làm bánh ở làng Nguyễn cười khi chúng tôi nhấc thử những chiếc bánh vừa mới ra lò.
Bởi, lý giải đơn giản theo người phụ nữ đã làm nghề bánh cáy được hơn 20 năm, bánh cáy càng nặng, là thành phần trong chiếc bánh đã hội tụ được đủ đầy các loại mứt, nẻ, cáy.
Bánh cáy mới làm xong ăn sẽ ngon và “nhớ đời” nhất, khi đó người ta nghe rõ nhất mùi cơm dừa, hạt sen, hạt dưa thơm bùi, cảm nhận rõ chất đường keo dính, vị cay the the của những sợi gừng tươi.
Bánh cáy được cắt thành từng lát mỏng, pha một ấm trà nóng, nhâm nhi miếng bánh cáy để cảm nhận được một thức quà quê ngon bình dị.
Khánh Linh, cô con gái nhà làm bánh cáy thi thoảng lại lén mẹ, cầm một miếng bánh cáy, bỏ lên miệng nhai thích thú. Cháu không sợ hỏng răng, chỉ sợ mẹ mắng vì ăn nhiều bánh, ngang dạ, không thể ăn cơm. “Nhưng cháu vẫn thích bánh cáy nhất trong các loại bánh ở đây làm hơn cả. Cả nhà cùng ăn, nhà cháu còn dùng bánh cáy để biếu họ hàng dịp Lễ, Tết”, cô bé hồn nhiên khoe.
Vâng, thế thôi, bạn đến một nhà hàng, quán xá nào, bạn nhìn thấy những đứa trẻ của gia đình chủ quán ăn ngon lành những món ăn được cha mẹ chúng làm để bán cho khách, thì hãy tin tôi đi, đó là những món ăn ngon và đáng tin tưởng nhất!
|
Bánh cáy Thái Bình ngon bình dị
|
Khánh Ly, cô bé dễ thương rất thích ăn bánh cáy
|
Xưởng sản xuất bánh cáy hiện đại ở Thái Bình
|
|
Cẩm Giang
Ảnh: Lê Nam
Bình luận (0)