Ghi nhận 4 ca tử vong, Bình Định kêu gọi tiêm vắc xin phòng cúm A/H1pdm

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
26/11/2024 16:22 GMT+7

Sau khi ghi nhận 4 trường hợp tử vong do cúm A/H1pdm, ngành y tế tỉnh Bình Định tăng cường công tác phòng, chống bệnh đường hô hấp, trong đó đặc biệt chú trọng kêu gọi người dân tiêm phòng vắc xin cúm.

Ngày 26.11, ông Trần Văn Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm y tế H.Phù Mỹ (Bình Định), cho biết đơn vị này đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh đường hô hấp trên địa bàn, trong đó có cúm A/H1pdm.

Từ ngày 7 - 20.11, trên địa bàn H.Phù Mỹ ghi nhận 3 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm.

Hạn chế tiếp xúc người có biểu hiện cúm

Theo ông Trần Văn Hạnh, ngay sau khi phát hiện ca tử vong do cúm A/H1pdm, Trung tâm y tế H.Phù Mỹ đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định điều tra ca bệnh tại cộng đồng, lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân để theo dõi sức khỏe nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ, khử trùng tại gia đình... Đồng thời, tăng cường giám sát phát hiện những trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút (cúm biến chứng, cúm nặng) tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn và có phương án chuyển viện kịp thời nhằm hạn chế bệnh chuyển nặng.

Ghi nhận 4 ca tử vong, Bình Định kêu gọi tiêm vắc xin phòng cúm A/H1pdm- Ảnh 1.

Tiêm vắc xin là biện pháp quan trọng để phòng cúm A/H1pdm

ẢNH MINH HỌA: H.Trọng

Ngành y tế H.Phù Mỹ cũng tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh. Trong đó, kêu gọi người dân đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết…

Ông Trần Văn Hạnh cho rằng bệnh cúm A do nhiễm vi rút thông thường, người dân không nên hoang mang. Những trường hợp tử vong chủ yếu là những người có bệnh nền về hô hấp, phổi…

"Để phòng bệnh này, chúng tôi kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin phòng cúm A. Nếu tiêm phòng cúm hằng năm sẽ giảm được nguy cơ biến chứng nặng do bệnh này gây ra", ông Hạnh nói.

Cúm A/H1pdm thường tăng khi giao mùa

Ngày 18.11, sau khi ghi nhận 4 ca dương tính với cúm A/H1pdm (trong đó có 2 ca tử vong), Sở Y tế tỉnh Bình Định đã công văn gửi các cơ sở y tế trên địa bàn yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch bệnh đường hô hấp. Trong đó, Sở Y tế tỉnh Bình Định yêu cầu triển khai thực hiện lấy mẫu các trường hợp có biểu hiện bất thường, giải trình tự gien để xác định các chủng cúm đang lưu hành, phát hiện sớm các chủng vi rút nguy hiểm và các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác.

Đến ngày 20.11, tỉnh Bình Định đã thực hiện giám sát 22 trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút. Kết quả xét nghiệm có 9 trường hợp dương tính với cúm A/H1pdm. Trong đó, ghi nhận 4 trường hợp tử vong tại H.Phù Mỹ (3 trường hợp) và H.Vĩnh Thạnh (1 trường hợp).

Sở Y tế tỉnh Bình Định cho rằng ca bệnh mắc cúm A/H1pdm chuyển nặng, tử vong có dấu hiệu tăng nhanh trong 2 tuần gần đây.

Trong công văn khẩn về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm A/H1pdm ngày 22.11, Sở Y tế tỉnh Bình Định yêu cầu các trường hợp bệnh mắc cúm A/H1pdm có biến chứng hoặc các yếu tố nguy cơ cần được xem xét, chỉ định sử dụng ngay thuốc kháng vi rút, xem xét điều trị dự phòng bằng thuốc kháng vi rút cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng. Đồng thời, Sở Y tế tỉnh Bình Định yêu cầu các đơn vị chủ động đảm bảo cơ số thuốc kháng vi rút phục vụ công tác khám, điều trị bệnh.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định, cho rằng cúm A/H1pdm là dạng cúm mùa, ca bệnh thường tăng trong đợt giao mùa. Khi thời tiết thay đổi, các loại bệnh về đường hô hấp, bệnh cúm tăng.

"Vi rút gây cúm A/H1pdm được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009, có tên là pandemic (pdm). Sau đó, loại bệnh này xuất hiện rải rác hằng năm, không phải dịch. Năm nay, tỉnh Bình Định xuất hiện một số ca viêm phổi nặng, ngành y tế đi giám sát thì phát hiện nhiễm vi rút cúm A/H1pdm", ông Truyền nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, biện pháp phòng cúm A/H1pdm quan trọng nhất là tiêm vắc xin cúm hằng năm, nhất là đối với trẻ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh nền. Hầu hết các ca tử vong liên quan đến cúm A/H1pdm tại Bình Định đều mắc bệnh nền.

"Ngành y tế tỉnh Bình Định khuyến khích tất cả cán bộ, nhân viên y tế, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế chủ động tiêm phòng vắc xin cúm. Những người này thường xuyên tiếp xúc với nhiều bệnh nhân và nhiều người nên phải chủ động tiêm phòng để đề phòng cho bản thân và người khác", ông Truyền nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.