‘Binh đoàn đặc biệt’ ở chiến trường Vị Xuyên

Trung Hiếu
Trung Hiếu
15/02/2019 15:14 GMT+7

'Có chiến sĩ trên chốt nói với tôi chỉ cần nhìn thấy quần lụa đen phụ nữ đã tràn đầy sức sống', ông Phạm Thành Đô (62 tuổi), nguyên Đội trưởng đội văn nghệ phục vụ bộ đội trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, nói.

Chốt 6 - 7 người lính, văn công cũng lên phục vụ

Ông Đô hồi tưởng: “Tôi quê ở thôn Đoan Xá, xã Đoàn Xã, H.Kiến Thụy (Hải Phòng), nhập ngũ ngày 24.8.1978, khi đang học năm 2 trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội. Lúc này Trung Quốc bắt đầu manh nha đưa quân sát gần biên giới Việt Nam. Do có chút năng khiếu văn nghệ nên khi về Đại đội 18, Trung đoàn 191 của Tỉnh đội Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang lúc bấy giờ - PV), tôi được phân công ở bộ phận văn công. Huấn luyện được 3 tháng thì Trung đoàn 191 thành lập bộ phận tuyên văn, tôi được cử đi học quân nhạc tại một đơn vị thuộc Quân khu 2 đóng ở Vĩnh Phúc. Đang học giữa chừng thì xảy ra sự kiện 17.2.1978, lớp học phải giải tán, thành viên lớp học về lại đơn vị chuẩn bị chiến đấu. Lúc này thành lập Sư đoàn 313 chuyển cho Quân khu 2 quản lý. Tôi là Đội trưởng đội tuyên văn của Sư đoàn 313 có nhiệm vụ phục vụ văn nghệ ở khắp mặt trận Vị Xuyên".
Đội văn nghệ Sư đoàn 313 biểu diễn Ảnh: NVCC

"Đội văn nghệ của tôi chừng 20 người, trong đó nữ chiếm 15 người. Đây là những hạt nhân chủ chốt của bộ phận tuyên văn thuộc Trung đoàn 191, 122, 266. Đa phần tuổi đời từ 18 - 20, thậm chí có người mới 17 tuổi, được “nhặt” lên đội văn nghệ để vừa đào tạo vừa phục vụ. Đội văn nghệ biểu diễn theo từng chiến dịch, đi khắp chiến trường, tới từng điểm chốt hát cho bộ đội mình nghe. Có những điểm chốt chỉ có 6 -7 người lính nhưng chúng tôi cũng lên, đứng hát cheo leo giữa chiến hào kề sát ta và địch. Hát ở trên chốt không có loa đài nên ca sĩ hát sống không cần micro, nhạc cụ chủ lực là accordion, mandolin, guitar vì gọn nhẹ, không cần điện, dễ phục vụ trên chốt", ông Đô nói.

"Tôi chơi accordion, Tuấn chơi trống và guitar, Mạnh Đạt chơi mandolin, Mai Anh Tuấn hát chèo và tấu hài, Hoa Lý và Hồng Thắm hát chính… Chúng tôi thường chơi những bản nhạc truyền thống của quân đội như: Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Tình ca Tây Bắc, Trước ngày hội bắn hay các bài hát của dân tộc, hát then - đàn tính… Sau này chương trình được xây dựng chuyên nghiệp hơn có thêm kịch, tấu hài, phục vụ cho cả chuyên gia Liên Xô, bà con đồng bào cũng đến xem khi biểu diễn ở sân khấu lớn", Đội trưởng đội tuyên văn của Sư đoàn 313 năm nào nhớ lại.

Văn công di chuyển từ chốt này sang chốt kia đều phải đi bộ, trèo đèo lội suối, vất vả vô cùng. Có khi đi từ điểm chốt này điểm chốt khác mất gần cả tháng trời, đi giữa trời mưa, vắt rừng cắn bật máu. Tôi nhớ từ chỗ sông Lô gần cửa khẩu Thanh Thủy để sang trung đoàn 266 biểu diễn phải qua cái dốc dựng đứng có tên gọi “Bu ơi”. Hầu như chị em một mình không thể vượt qua được mà cần có sự trợ giúp. Mỗi chuyến di chuyển sang điểm chốt mới dù có giao liên đưa đi nhưng anh em trong đoàn phải tự bảo vệ nhau, tính toán chi li giờ giấc không để lạc sang vùng của địch, đi đứng phải cẩn thẩn nếu không muốn dẫm phải mìn kể của ta và địch.

"Nhớ những lần biểu diễn trên chốt nhưng bên kia chiến hào quân địch nhìn thấy, dù rất nguy hiểm nhưng anh em vẫn quyết tâm hát phục vụ bộ đội. Hay có những buổi biểu diễn trên chốt, vừa giới thiệu chương trình bài hát xong, phía bên Trung Quốc bắn giàn pháo sang khiến ca sĩ, nhạc công lẫn bộ đội phải chui xuống chiến hào ẩn nấp", ông Đô nhớ lại.

Lính Vị Xuyên "mơ dáng Kiều thơm"

Khốc liệt của chiến tranh biên giới chính là sự mong manh giữa trước và sau chiến tuyến. Ở chiến tuyến chiến tranh khốc liệt, xảy ra chết chóc nhưng đằng sau chiến tuyến đi vào đất liền khoảng 10 km thì cuộc sống, sinh hoạt người dân vẫn diễn ra bình thường. Cho nên tư tưởng của người lính khi đó phải cực kỳ bản lĩnh mới có thể trụ lại chứ không vững vàng dễ lung lạc lắm. Do đó thời ấy mọi người hay gọi đội văn nghệ chúng tôi là “binh chủng đặc biệt” có nhiệm vụ phục vụ, động viên tư tưởng người lính.

"Bộ đội đóng ở chốt thấy văn công, nhất là văn công nữ lên chốt biểu diễn có tâm lý phấn chấn lắm. Hằng tháng trời đóng quân trên chốt nên chỉ cần nhìn thấy dáng hình phụ nữ họ đã thích rồi. Có chiến sĩ còn nói với tôi chỉ cần thấy cái quần lụa đen của người phụ nữ thì trong lòng tràn đầy sức sống. Cứ nghĩ xem, 6 - 7 người lính đóng quân mấy tháng trời chỉ với chiến hào, boong ke, cô lập, cô đơn trên chốt giờ được nữ văn công xinh đẹp lên hát thì thích thú đến chừng nào. Ban ngày lính trên chốt còn thấy núi thấy rừng nhưng khi đêm về bóng tối che chắn mọi thứ nên người lính rất cô đơn và càng cần động viên tinh thần", ông Đô nói.

Đội tuyên văn Sư đoàn 313 ngày hội ngộ sau nhiều năm xa cách Ảnh: NVCC

"Có người lính nói em chỉ cần thấy đội văn nghệ của các anh lên chốt là bọn em thấy có sinh lực. Phần lớn người lính cắm chốt đang ở độ tuổi mười chín, đôi mươi đầy cảm xúc, đầy yêu thương, luôn mơ tới hòa bình, mơ về người phụ nữ, về tình yêu đôi lứa. Giống như câu thơ trong bài Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm…”, nguyên đội trưởng đội văn nghệ phục vụ bộ đội trong cuộc chiến biên giới phía Bắc hồi tưởng. Thậm chí có những chàng trai, người lính hy sinh mà chưa một lần nắm tay phụ nữ.

Ông Phạm Thành Đô (bên phải) với cây đàn accordion vẫn biểu diễn, phục vụ người lính Vị Xuyên ở những lần hội ngộ Ảnh: Trung Hiếu

Năm 1982, cha mẹ già yếu ở một mình nên ông Đô xin ra quân trong đợt đầu tiên. Sau này cuộc chiến tranh biên giới có chiều hướng ác liệt, Quân khu 2 tăng cường thêm Đoàn văn công Quân giải phóng Trường Sơn phục vụ bộ đội bên cạnh đội tuyên văn của Sư đoàn 313.

Sau nhiều “vật đổi sao dời”, ông Đô vào TP.HCM lập nghiệp mang theo cây đàn accordion. "Những người còn lại của đội tuyên văn Sư đoàn 313 sau này đều khá thành đạt: người thành nhạc sĩ, ca sĩ có tiếng, người công an, bộ đội, bác sĩ… để rồi mỗi năm gặp lại nhau nhớ về thời tuổi trẻ sôi nổi, hào hùng ở chiến trường biên giới Vị Xuyên”, ông Đô nhớ lại.

“Khao khát được nhìn thấy hình ảnh một cô gái”

“Gặp chiến sĩ nếu từ xa rất khó nhận ra vì mấy tháng rồi họ không được cắt tóc, cạo râu nên cứ trong như “người rừng”, chỉ có giọng nói và ánh mắt là không thể quên. Tôi ôm từng chiến sĩ, quần áo của ai cũng rách và cũ mèm, khiến tôi rơi nước mắt. Các chiến sĩ của tôi kể: Đại trưởng biết không? Ở đây mấy tháng rồi bọn em không được tắm bằng nước, chỉ tắm khan bằng gói túi lau da gồm miếng mút nhỏ có tẩm dầu xả để lau người. Không được đánh răng rửa mặt. Quần áo thì 10 ngày thay một lần, thay xong gửi về hậu cứ giặt rồi lại gửi lên… Đồng chí Yên, tiểu đội trưởng quê ở Nghệ An, kể: “Nói thủ trưởng đừng cười chứ tụi em khao khát được nhìn thấy hình ảnh của một cô gái hay một giọng nói cũng được”.
(Hồi ức của trung tá Nguyễn Ngọc Anh, nguyên đại đội trưởng Đại đội 21 hóa học, Sư đoàn 31, Quân đoàn 3, khi lên thăm lính trên chốt)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.