Bình Dương hướng đến nền GD-ĐT có chất lượng và đạt chuẩn quốc tế

Đỗ Trường
Đỗ Trường
15/08/2024 17:30 GMT+7

Theo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bình Dương sẽ bố trí quỹ đất tại các đô thị để hình thành các khu đại học tập trung có chất lượng quốc tế và trường phổ thông nhiều cấp học đạt chuẩn quốc tế.

Bình Dương hướng đến nền GD-ĐT có chất lượng và đạt chuẩn quốc tế- Ảnh 1.

Một trường THCS mới được xây dựng tại H.Bàu Bàng

Ảnh: Đ.T

Phát triển giáo dục phổ thông

Theo quy hoạch, dân số tỉnh Bình Dương đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người (trong đó dân số chính thức 3,48 triệu người; dân số quy đổi 0,56 triệu người).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 87%, trong đó có bằng cấp là 40%; Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%.

Theo đó, Bình Dương sẽ phát triển các cơ sở trường phổ thông và mầm non theo quy hoạch xây dựng đô thị nông thôn và nhu cầu phát triển dân số lao động của từng khu vực. Tại 5 thành phố của Bình Dương (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên) sẽ thu hút, phát triển tối thiểu 5 trường phổ thông nhiều cấp học đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Giáo dục mầm non và phổ thông: ưu tiên phát triển giáo dục các cấp từ mầm non đến phổ thông theo từng giai đoạn, gắn với đặc điểm về dân số và độ tuổi học sinh, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, diện tích đất…thu hút phát triển các trường quốc tế liên cấp, các trung tâm đô thị dịch vụ - giáo dục - công nghiệp hướng tới giáo dục chất lượng cao.

Giáo dục kỹ năng, trải nghiệm, giáo dục STEM/STEAM: tổ chức các hoạt động giáo dục STEM, STEAM, kỹ năng sống trong trường học.

Thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các mô hình trung tâm giáo dục STEM, STEAM cho học sinh từ độ tuổi mẫu giáo đến trung học.

Để đạt được các mục tiêu về giáo dục phổ thông, Bình Dương sẽ ưu tiên quỹ đất, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo, đảm bảo đồng bộ, phù hợp, đầu tư chuẩn hóa về cơ sở vật chất tiên tiến, hiện đại.

Bố trí quỹ đất trong các đô thị để thu hút phát triển các trường phổ thông nhiều cấp học đạt chuẩn quốc tế.

Trung tâm đổi mới sáng tạo công nghiệp 4.0 tại trường ĐH Quốc tế Miền Đông - Ảnh: Đ.T

Trung tâm đổi mới sáng tạo công nghiệp 4.0 tại Ttrường ĐH Quốc tế Miền Đông

Ảnh: Đ.T

Hình thành khu đại học chất lượng quốc tế

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, và xây dựng các trung tâm cho đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái giáo dục mới nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và Vùng Đông Nam bộ trên cơ sở khai thác, phát huy các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh.

Để đạt được mục tiêu, Bình Dương cũng bố trí quỹ đất tại các đô thị để hình thành các khu đại học tập trung có chất lượng quốc tế, thu hút các trường đại học có chất lượng trong và ngoài nước, từng bước phát triển Bình Dương trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của quốc gia.

Về phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung đầu tư một số trường cao đẳng theo định hướng trường chất lượng cao, thực hiện chức năng là cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp Vùng, cấp quốc gia về đào tạo và thực hành nghề để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh và của Vùng.

Trung tâm sản xuất tiên tiến AMC đã được hình thành - Ảnh: Đ.T

Trung tâm sản xuất tiên tiến AMC đã được hình thành

Ảnh: Đ.T

Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên các lĩnh vực ngành nghề như công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ, công nghệ thông tin, an toàn thông tin, điện tử.

Về phát triển giáo dục đại học, Bình Dương khai thác và phát huy các trường đại học hiện có trên địa bàn tỉnh cùng các trường cao đẳng, trung tâm dạy nghề...., tạo mối liên kết chặt chẽ về giảng dạy và nghiên cứu khoa học với Đại học Quốc gia TP.HCM.

Bình Dương sẽ xây dựng mới 1 khu đại học tập trung tại Bàu Bàng (diện tích khoảng 500ha đáp ứng khoảng 100.000 sinh viên); 2 cụm trường tại TP.Bến Cát và H.Bắc Tân Uyên; đồng thời thu hút từ 3 đến 5 trường đại học phân tán tại khu vực đô thị phía Nam để đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Trung tâm an ninh mạng tại trường ĐH Quốc tế Miền Đông - Ảnh: Đ.T

Trung tâm an ninh mạng tại Trường ĐH Quốc tế Miền Đông

Ảnh: Đ.T

Về phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bình Dương sẽ đa dạng về loại hình, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, trình độ, phân bổ theo huyện/thành phố; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phân tầng chất lượng; đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển địa phương trong từng giai đoạn.

Thu hút, phát triển các cơ sở GDNN cấp vùng tại TP.Bến Cát, TP. Tân Uyên, H.Bàu Bàng và xây dựng mỗi huyện có 1 cơ sở đào tạo nghề; nâng cấp một số trường trung cấp thành trường cao đẳng theo quy định; nâng cấp, đầu tư một số trường cao đẳng theo định hướng thực hiện chức năng là cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp Vùng, cấp quốc gia về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.





Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.