Ngày 13.8, Ban Quản lý (BQL) các công trình giao thông Bình Dương cho biết đã có báo cáo tiến độ thực hiện, kế hoạch triển khai và các khó khăn, kiến nghị trong công tác triển khai dự án xây dựng tuyến đường sắt từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình thuộc địa phận tỉnh Bình Dương.
Trước đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, BQL các công trình giao thông Bình Dương đã phối hợp Sở GT-VT, Sở KH-ĐT và các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tuyến đường sắt Bàu Bàng - An Bình thuộc tuyến đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh.
Theo đó, quy mô tuyến đường sắt có điểm đầu tuyến là ga An Bình (thuộc P.Dĩ An, TP.Dĩ An) và điểm cuối tuyến là ga Bàu Bàng (TT.Lai Uyên, H.Bàu Bàng, Bình Dương).
Chiều dài toàn tuyến đường sắt khoảng 53,63 km đi qua các địa phận của Bình Dương như TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, TP.Tân Uyên, TP.Bến Cát và H.Bàu Bàng; được quy hoạch tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa.
Sơ bộ tổng mức đầu tư tuyến đường sắt khoảng 59.560 tỉ đồng; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 21.294 tỉ đồng, chi phí xây dựng 16.415 tỉ đồng, chi phí thiết bị 8.001 tỉ đồng, các chi phí còn lại 13.850 tỉ đồng.
Theo BQL các công trình giao thông Bình Dương, hiện hướng tuyến, vị trí ga (bố trí 10 ga) tuyến đường sắt Bàu Bàng - An Bình cơ bản cập nhật trên cơ sở tuyến đường sắt quốc gia TP.HCM - Lộc Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021.
Tuy nhiên, hiện nay Cục Đường sắt Việt Nam đang lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM nên BQL các công trình giao thông Bình Dương phải hoàn chỉnh phương án theo quy hoạch (đã được duyệt năm 2021) để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Bình luận (0)