Theo ông Võ Văn Minh, Bình Dương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện 11 nhiệm vụ (trong đó có 6 nhiệm vụ trọng tâm), giải pháp cụ thể trong chỉ đạo điều hành trên địa bàn tỉnh.
Năm 2024, Bình Dương đặt mục tiêu tăng trưởng (GRDP) từ 8 - 8,5%; trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%; tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu trong năm tăng từ 9 - 10% so với năm trước.
Để hoàn thành được các mục tiêu này, Bình Dương đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác chỉ đạo, điều hành, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo niềm tin cho doanh nghiệp hoạt động ổn định.
Cụ thể, Bình Dương sẽ tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thiện thủ tục, phấn đấu trong năm 2024 khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM và cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường Vành đai 3, nâng cấp quốc lộ 13.
Ông Võ Văn Minh cũng cho biết tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Bình Dương năm 2024 khoảng 185.000 tỉ đồng, tăng 11% so với năm 2023. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 1,8 tỉ USD; thu ngân sách nhà nước đạt trên 71.600 tỉ đồng…
Theo nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Dương, đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Bình Dương có chiều dài khoảng 47,85 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế đạt 100 km/giờ; tổng mức đầu tư trên 18.247 tỉ đồng.
Đường Vành đai 4 TP.HCM (đoạn qua Bình Dương) có điểm đầu xuất phát từ cầu Thủ Biên (H.Bắc Tân Uyên) đi qua Khu công nghiệp (KCN) VSIP3, giao cắt với đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành tại P.Hội Nghĩa (TP.Tân Uyên). Sau đó, đường Vành đai 4 TP.HCM tiếp tục đi qua KCN VSIP 2A (TP.Thủ Dầu Một), KCN Mỹ Phước 3 (TX.Bến Cát)… và kết thúc tại cầu Phú Thuận (TX.Bến Cát) băng qua sông Sài Gòn (H.Củ Chi, TP.HCM).
Bình luận (0)