Long An xin trả lại vai trò điều phối dự án đường Vành đai 4 TP.HCM

Bắc Bình
Bắc Bình
08/05/2023 18:36 GMT+7

Sau gần 1 tháng giữ vai trò điều phối dự án đường Vành đai 4 TP.HCM, UBND tỉnh Long An đã có đơn xin Thủ tướng và Phó thủ tướng Chính phủ cho thôi vai trò này.

Ngày 8.5, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Anh Việt, Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Long An, cho biết ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh này, đã ký đơn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà "về việc báo cáo các khó khăn trong việc giao tỉnh Long An là cơ quan đầu mối tổng hợp, điều phối dự án Vành đai 4 TP.HCM".

Vì sao Long An xin “trả lại” vai trò điều phối dự án đường Vành đai 4? - Ảnh 1.

Sau gần một tháng khởi công, dự án Đường song hành Vành đai 4 trên địa bàn Long An vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện về hạ tầng

BẮC BÌNH

Theo ông Nguyễn Văn Út, Long An là địa phương vùng ven của TP.HCM. Tuy có đoạn Vành đai 4 TP.HCM đi qua địa bàn dài nhất (từ kênh Thầy Cai - Hiệp Phước dài 78,3 km, đã bao gồm đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP.HCM), nhưng Long An cũng không thể đại diện cho cả vùng. Xét về khía cạnh pháp lý, Long An không đủ tầm ảnh hưởng để tổng hợp, điều phối, triển khai dự án tầm cỡ lớn có tính chất liên vùng. Xét về khía cạnh kinh nghiệm, Long An cũng chưa từng triển khai dự án lớn như vậy. Do đó, nếu giao cho tỉnh Long An làm cơ quan tổng hợp, điều phối của dự án Vành đai 4 TP.HCM là rất khó và có thể sẽ gây chậm trễ cho việc triển khai để dự án hoàn thành theo kế hoạch.

Ngoài ra, Long An là một trong 13 tỉnh, thành thuộc ĐBSCL, việc giao cho tỉnh Long An tổng hợp, điều phối thực hiện dự án Vành đai 4 TP.HCM với các tỉnh, thành thuộc vùng Đông Nam bộ là không phù hợp.

Dự án Vành đai 4 TP.HCM là dự án có tính chất liên vùng, liên kết 4 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu với TP.HCM. Mặt khác, dự án Vành đai 4 TP.HCM thuộc dự án nhóm A cần thông qua Quốc hội. Do đó, việc giao nhiệm vụ cho một cơ quan tổng hợp, điều phối đủ mạnh về mặt pháp lý, có kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án lớn, có tính chất trọng điểm quốc gia sẽ phù hợp hơn là để một tỉnh hoặc TP.HCM đại diện triển khai, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

"Tỉnh Long An không thoái thác, cũng không né tránh trách nhiệm, nhưng thực sự chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn mà ở vị thế của một tỉnh không thể giải quyết nhanh chóng các vướng mắc để đảm bảo tiến độ của dự án được", ông Nguyễn Anh Việt nói thêm.

Vì các lẽ trên, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề xuất Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan đầu mối tổng hợp, điều phối dự án Vành đai 4 TP.HCM.

Trước đó, ngày 15.4, tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT có đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Long An là cơ quan đầu mối tổng hợp, điều phối dự án Vành đai 4 TP.HCM trên cơ sở là địa phương có đoạn dài nhất đi qua.

Đường Vành đai 4 qua Long An đã triển khai ra sao?

Ngày 21.4, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An đã tổ chức khởi công công trình Đường tỉnh (TL) 830E (đường song hành Vành đai 4). TL.830E có chiều dài 9,3 km, điểm đầu tại nút giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương (thuộc xã An Thạnh, H.Bến Lức) và điểm cuối tại nút giao với TL.830 (thuộc xã Long Định, H.Cần Đước). Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 3.600 tỉ đồng, được đầu tư phân kỳ nhiều giai đoạn.

Vì sao Long An xin “trả lại” vai trò điều phối dự án đường Vành đai 4? - Ảnh 2.

Tỉnh Long An tổ chức khởi công dự án trọng điểm này để chào mừng lễ kỷ niệm 48 năm ngày thống nhất đất nước

BẮC BÌNH

Giai đoạn 1, dự án gồm 2 đường song hành, mỗi đường 2 làn xe hỗn hợp rộng 7m cùng làn xe thô sơ rộng 2,5m. Riêng phần kết nối ra ĐT 830 rộng 30m với 6 làn xe. Trong tương lai, công trình sẽ được đầu tư thành đường cao tốc 8 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp; phần đường song hành có 4 làn xe hỗn hợp.

Theo ông Nguyễn Văn Được, Bí thư tỉnh ủy Long An, TL.830E là công trình có ý nghĩa to lớn, hòa vào mạng lưới đường bộ quốc gia (đường Vành đai 4 TP.HCM) để kết nối các khu, cụm công nghiệp từ Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc đến cảng Long An và cảng Hiệp Phước (TP.HCM) thông qua đường ĐT.830 đã được đầu tư hoàn thành.

Theo ghi nhận, đến thời điểm này, khối lượng đã thi công dự án này là chưa đáng kể.

Dự án đường Vành Đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài 197,6 km, đi qua 5 tỉnh, thành: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An. Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1698/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 28.9.2011, quy mô kỹ thuật là cao tốc đô thị, mặt cắt ngang 6 - 8 làn xe, tốc độ 60 - 80 km/giờ.

Đường Vành đai 4 bắt đầu tại điểm giao với đường Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km40+000, khu vực Phú Mỹ) hướng về sân bay quốc tế Long Thành, giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, giao với QL1, cắt QL.22 tại Củ Chi, qua TT.Bến Lức (Long An), giao cắt với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Điểm cuối nối với đường trục Bắc - Nam tại khu đô thị cảng Hiệp Phước, TP.HCM.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.