Bình Dương: Phát triển kinh tế theo mô hình đô thị công nghiệp đổi mới sáng tạo

Đỗ Trường
Đỗ Trường
22/08/2024 16:25 GMT+7

Theo quy hoạch, đến năm 2030 Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, phương án tổ chức không gian hoạt động kinh tế xã hội theo mô hình vùng đô thị công nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển các không gian động lực.

Theo đó, không gian kinh tế xã hội của Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn 2050 sẽ được tổ chức theo mô hình vùng đô thị công nghiệp đổi mới sáng tạo gồm: 1 trục phát triển, 2 hành lang sinh thái, 3 vành đai liên kết, 4 trung tâm động lực, 5 phân vùng phát triển.

Bình Dương lấy các tuyến đường lớn làm trục phát triển không gian kinh tế xã hội - Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Bình Dương lấy các tuyến đường lớn làm trục phát triển không gian kinh tế xã hội

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Về trục phát triển là trục đổi mới sáng tạo lấy Quốc lộ 13, đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn; cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh; đường sắt đô thị Suối Tiên - Bàu Bàng ... làm trục liên kết, phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo từng phân đoạn.

Về 2 hành lang sinh thái, gồm hành lang sinh thái phía Đông gắn với sông Đồng Nai và hành lang sinh thái phía Tây gắn với sông Sài Gòn, Hồ Dầu Tiếng. Các hành lang này phát triển dựa trên bảo vệ và phát huy các giá trị sinh thái, phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải đường thủy; phát triển các khu đô thị dịch vụ sinh thái, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng; khu nông nghiệp sinh thái kết hợp hỗ trợ du lịch.

Về 3 vành đai liên kết, Bình Dương sẽ phát triển mở rộng không gian đô thị, chức năng và khung hạ tầng gắn với 3 đường vành đai của vùng TP.HCM (Vành đai 3, 4, 5 TP.HCM). Đồng thời mở rộng các tuyến giao thông kết nối với các địa phương lân cận để mở ra các không gian phát triển mới cho Bình Dương như đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, và một số tuyến đường quan trọng khác...

Về 4 trung tâm động lực đó là trung tâm sáng tạo thành phố mới Bình Dương; HUB Dĩ An; khu phức hợp Bàu Bàng; trung tâm văn hóa Thủ Dầu Một.

Về 5 phân vùng phát triển, gồm: Vùng 1 là vùng đô thị phía Nam (TP.Thuận An, TP.Dĩ An); Vùng 2 là vùng đô thị công nghiệp dịch vụ (TP.Thủ Dầu Một, TP.Bến Cát, H.Bắc Tân Uyên, TP.Tân Uyên); Vùng 3 là vùng đô thị Bàu Bàng; Vùng 4 là vùng Đông Bắc gồm H.Bắc Tân Uyên và H.Phú Giáo; Vùng 5 là vùng Tây Bắc là H.Dầu Tiếng.

Bình Dương lấy các tuyến đường vành đai 3,4,5 TP.HCM để mở rộng không gian đô thị - Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Bình Dương lấy các tuyến đường vành đai 3,4,5 TP.HCM để mở rộng không gian đô thị

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Các không gian động lực

Bên cạnh việc phân vùng phát triển toàn tỉnh, Bình Dương cũng chia thành 3 khu vực không gian động lực để phát triển.

Khu vực 1 gồm TP.Thuận An và TP.Dĩ An sẽ thực hiện tái thiết, cải tạo đô thị; di dời các cơ sở sản xuất, công nghiệp lạc hậu, ô nhiễm môi trường lên phía Bắc của tỉnh. Sử dụng các dư địa không gian cho mô hình đô thị mới theo định hướng TOD và bổ sung các hạ tầng xã hội để đưa Thuận An, Dĩ An trở thành đô thị hiện đại, chất lượng sống cao.

Khu vực 2 gồm TP.Thủ Dầu Một, TP.Tân Uyên, TP.Bến Cát và H.Bàu Bàng sẽ phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, dịch vụ cộng đồng cấp Vùng và đô thị thông minh làm trụ cột cho tăng trưởng của tỉnh.

Khu vực 3 gồm các huyện: Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng sẽ hình thành các khu công nghiệp thế hệ mới, thu hút phát triển mô hình đô thị - công nghiệp - dịch vụ sinh thái. Bảo tồn và phát triển các hành lang sinh thái sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính… tăng độ phủ xanh, phát triển năng lượng tái tạo.

TP.Thuận An, Dĩ An sẽ trở thành các đô thị hiện đại, chất lượng sống cao - Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

TP.Thuận An, Dĩ An sẽ trở thành các đô thị hiện đại, chất lượng sống cao

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Ngoài ra, Bình Dương sẽ phát triển các khu đô thị, dịch vụ mới tại các thành phố: Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, tạo dư địa để từng bước tái phát triển khu vực đô thị hiện hữu, dịch chuyển các hoạt động logistics Vùng lên khu vực dọc Vành đai 4 - vùng TP.HCM.

Bình Dương cũng phát triển đô thị, khu phức hợp và khu công nghiệp mới ở các huyện: Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp phía Nam dịch chuyển lên phía Bắc của tỉnh. Phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh tại các thành phố: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát và H.Bàu Bàng để tạo không gian động lực về khoa học công nghệ, dịch vụ và văn hóa sáng tạo.

Phát triển các khu đô thị, dịch vụ mới tại Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An - Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Phát triển các khu đô thị, dịch vụ mới tại Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG





Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.