Ðúng 8g ngày 5-10, tại quán cà phê cổ Lộc Vừng (khu Miếu Nổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã diễn ra những cảnh quay đầu tiên của bộ phim Ðò dọc. Trong buổi khai máy này có sự xuất hiện của các nhân vật ông Tô, do ca sĩ - diễn viên Cao Minh và nhân vật Tuấn do ca sĩ - diễn viên Phạm Quốc Huy thủ vai. Ðạo diễn Hùng Phương chọn hai nhân vật này để quay cảnh đầu tiên vì vai diễn của họ là hiện thân của hai cha con cụ Bình Nguyên Lộc.
|
Chuyện cũ vẫn thời sự
Câu chuyện Ðò dọc xoay quanh một gia đình có bốn cô con gái, sống trong buổi giao thời của những năm 1950. Cuộc chiến đang diễn ra ác liệt, gia đình ông giáo Hải với các con gái là Hương, Hồng, Hoa, Quá phải rời khu về sống ở xóm me Tây gần thành Ô Ma - Sài Gòn. Ðến ngày Pháp chính thức rút khỏi Việt Nam, bốn cô con gái đã học được một ít chữ nghĩa thì cả nhà lại chuyển về một xóm quê khô cằn ở miền Ðông Nam bộ.
Cuộc sống đơn điệu với "từng ấy gương mặt" có nguy cơ biến các cô tiểu thư xinh đẹp thành các cô gái già héo úa. Mỗi cô có một tâm tình riêng, người cha và người mẹ không dễ thấu hiểu và chia sẻ với họ. Ðò dọc tôn vinh giá trị gia đình như một nền tảng để con người có thể tựa vào trước bao biến thiên của xã hội hậu chiến.
|
Biên tập Nguyễn Trọng Nghĩa, Hãng phim TFS, cho biết lý do chọn Ðò dọc: "Câu chuyện từ những năm 1950 nhưng lại rất thời sự vì hơn lúc nào hết, sự thấu hiểu nhau của từng thành viên trong gia đình sẽ tạo nên sức mạnh để họ cùng vượt qua những khó khăn riêng - chung". Một lý do khác để Ðò dọc được chọn chuyển thành phim truyền hình là vì tác phẩm này đại diện cho dòng tiểu thuyết hiện thực xã hội tiến bộ của Bình Nguyên Lộc, một trong những nhà văn tiêu biểu của miền Nam Việt Nam thời trước 1975.
Hết lòng với người xưa
Ngoài Ðò dọc là nền tảng, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã lồng ghép thêm các truyện ngắn khác của Bình Nguyên Lộc (gồm: Nhốt gió, Hương hành kho, Nuôi ghẻ, Xác không chôn, Tấn kịch khan nhà, Me Tây, Một cây triết lý xanh dờn) để tạo ra sự đầy đặn cho kịch bản dài 30 tập phim. Bà chia sẻ về quá trình "thai nghén" kịch bản chuyển thể này: "Cha tôi là người yêu sách, và Bình Nguyên Lộc là tác giả yêu thích của ông. Khi cuốn Ðò dọc mới xuất bản, ông mua và ghi tặng bốn chị em tôi nên sau này tôi viết các truyện Chờ duyên hay Cạn duyên đều vì để nhớ ông cùng cha tôi. Khi TFS đề nghị tôi chuyển truyện này thành phim, tôi biết đây là một thách thức lớn vì trước 1975 nhiều người định chuyển làm phim truyện nhựa 90 phút (mời các chị Kiều Chinh, Kim Cương tham gia) nhưng bất thành. Dù TFS khuyến khích cứ viết phóng tay nhưng khi cầm bút, cứ nghĩ đến kinh phí sẽ khó thực hiện những cảnh của Sài Gòn vào thập niên 1950 mà cố đẩy nhiều vào cảnh nội. Ðể có được 30 tập phim hấp dẫn mà không phản bội tác giả cũng như thân nhân còn sống của ông và độc giả yêu mến ông là một quá trình gian nan, nhiều lúc tôi đã định bỏ cuộc. Nhưng cuối cùng, nhờ liên lạc được con trai út của ông là nhà thơ Giang Thiên Tường bên Mỹ, cùng sự động viên của TFS, tôi đã hoàn tất được công việc của mình".
Cũng như biên kịch, đạo diễn vất vả với kịch bản này khá nhiều vì đây là bộ phim "xưa" đầu tiên mà anh được giao. Hùng Phương bày tỏ: "Tôi vừa vui vừa thấy áp lực khi lần đầu tiên làm phim xưa để khám phá vốn sống của bản thân mình. Một khó khăn khác là bối cảnh không hề dễ kiếm, chúng tôi đã dành hơn ba tháng cho việc tìm kiếm bối cảnh là những ngôi nhà cổ - những góc phố - quán cà phê... có dáng dấp của thập niên 1950 còn sót lại ở Sài Gòn cũng như các tỉnh. Các bối cảnh chính sẽ được quay ở Gò Công, Long Khánh, Sa Ðéc, Bình Dương, Ðà Lạt và Sài Gòn. Tôi nghĩ Ðò dọc là một thử thách lớn với tôi và chắc sẽ chỉ là phim xưa duy nhất của tôi".
Theo Hồng Hạnh / Tuổi Trẻ
>> Phim truyền hình Việt đang chết
>> Phim truyền hình Trung Quốc bị tố "đạo" phim Mỹ
>> Phim truyền hình Việt đang chết: Từ “quan hệ” đến “chơi chiêu”
>> Phim truyền hình "nói khéo" chuyện thời sự
>> Phim truyền hình thời mì ăn liền
Bình luận (0)