Bình quân mỗi tháng có gần 17.000 doanh nghiệp 'dừng cuộc chơi'

Lê Quân
Lê Quân
30/06/2023 13:20 GMT+7

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), 6 tháng đầu năm, bình quân một tháng có 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo thông tin Tổng cục Thống kê mới công bố, trong tháng 6, cả nước có 13,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 138,7 nghìn tỉ đồng và số lao động đăng ký 103,9 nghìn lao động, tăng 14,9% về số doanh nghiệp, tăng 33,7% về vốn đăng ký và tăng 39,2% về số lao động so với tháng 5.

Bình quân mỗi tháng có gần 17.000 doanh nghiệp 'dừng cuộc chơi' - Ảnh 1.

6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước (ảnh minh họa)

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bên cạnh đó, cả nước còn có 7,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 19,3% so với tháng trước và gấp 3,2 lần cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 75,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 707,5 nghìn tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký 509,9 nghìn lao động; giảm 0,5% về số doanh nghiệp, giảm 19,8% về vốn đăng ký và giảm 1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm đạt 9,3 tỉ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả 958,7 nghìn tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 25,2 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm là hơn 1.650 nghìn tỉ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có gần 37,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm lên 113,6 nghìn doanh nghiệp, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, 6 tháng đầu năm nay, có 799 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm trước; 18,1 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 6,5%; 57 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 2,1%.

Về doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, Tổng cục Thống kê thông tin, trong tháng 6, có 5.102 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 4,9% so với tháng trước và giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022; có 5.749 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, lần lượt tương ứng tăng 21,9% và tăng 11,7%; có 1.482 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 21,2% và giảm 12,2%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; 31 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Như vậy, bình quân một tháng có 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp nhà nước lạc quan hơn

Theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 2 cho thấy, có 27,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn so với quý 1; 36,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định và 35,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Bình quân mỗi tháng có gần 17.000 doanh nghiệp 'dừng cuộc chơi' - Ảnh 2.

Doanh nghiệp nhà nước lạc quan hơn khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước

PHẠM HÙNG

Dự kiến quý 3 sẽ có 34,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 2; 38,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định và 27,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước lạc quan nhất với 74,5% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh quý 3 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 2; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 73% và 71,1%.

Về đơn đặt hàng, có 24,9% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý 2 cao hơn quý 1; 38,9% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 36,2% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm. Xu hướng quý 3 so với quý 2, có 32,2% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 41,5% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 26,3% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý 2 so với quý 1, có 18,5% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 43,2% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 38,3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Xu hướng quý 3 so với quý 2, có 26,7% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 46,2% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 27,1% số doanh nghiệp dự kiến giảm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.