Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Lê Thanh Sơn và Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận Trương Đình Sỹ cho biết, đây là lần thứ 4, các ông đưa phóng viên vào khảo sát khu rừng này. Ngay tại khu vực cửa rừng (tiểu khu 264), ông Trương Đình Sỹ thông báo, đã bắt đầu vào tọa độ khu vực lòng hồ Ka Pét, theo định vị xác định.
Khi ô tô không thể lưu thông được nữa, tất cả mọi người phải đi bộ theo sự dẫn đường của cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét (đơn vị chủ rừng).
Từ tiểu khu 264 vào lòng hồ Ka Pét phải đi theo con đường mòn có sẵn. Dọc đường có nhiều xe máy của bà con đi lấy măng để trên con đường mòn này.
Ông Lê Thanh Sơn cho biết, bây giờ là mùa mưa, cây cối xanh tốt, không thấy được sự tàn khốc của khô hạn ở khu rừng này so với những tháng mùa khô.
Chúng tôi được đưa đến khu vực có khá nhiều cây bằng lăng cổ thụ. Khu vực này có hàng chục cây bằng lăng cao hơn 30 m, đường kính khoảng 2 người ôm. Nhưng chủ yếu vẫn là bằng lăng nhỏ, cây sắn ổi, ngành ngạnh (cùng họ bằng lăng) và một số loài khác.
Theo ông Sỹ, đặc điểm của gỗ bằng lăng là càng già càng mục rỗng ruột. Do vậy, dù thân rất cao, gốc to nhưng cây bằng lăng ở đây lượng gỗ rất ít và giá trị thấp so với các loại gỗ khác cùng nhóm.
Vào đến sông Bà Bích, con sông thượng nguồn chảy về sông Mương Mán, nước chảy mạnh. Cán bộ quản lý rừng cho hay: "Hôm nay nước đã rút sâu, mấy ngày trước mưa to, con sông này "rất hỗn" (nước chảy xiết - PV) nhưng chỉ 1 hay 2 tiếng là nước rút cạn ngay".
Hai bên sông Bà Bích là rừng phủ kín một màu xanh, chủ yếu tre nứa mà ngành lâm nghiệp gọi là rừng hỗn giao.
Ông Sỹ cho biết, rừng hỗn giao trong khu vực này cũng chia thành 2 loại. Rừng "hỗn giao tre nứa, gỗ", chủ yếu là tre, lồ ô, nứa. Còn rừng "hỗn giao gỗ, tre nứa" thì có cây gỗ thân nhỏ khá nhiều, mọc chen vào rừng tre nứa. Rừng này có giá trị kinh tế thấp.
Cũng theo ông Sỹ, trong lòng hồ là rừng, nhưng không phải rừng nguyên sinh, mà là thứ sinh, tức là rừng trước đây đã bị khai thác gỗ rồi.
"Khu này thì chủ yếu là rừng hỗn giao tre nứa, gỗ và rừng khộp, rụng lá vào mùa khô. Thực vật nhiều nhất chủ yếu là các loại cây họ dầu như cây dầu, cà chí, căm liên, cà gằng, căm xe, bằng lăng, sắn ổi, hỗn giao với tre nứa", ông Sỹ cho hay.
Theo quan sát của phóng viên, khu vực rừng này không còn gỗ quý lớn có giá trị. Một số ít diện tích có cây căm xe, căm liên, gỗ dầu nằm ngay giữa lòng hồ. Cây gỗ lớn, cao thì chủ yếu là bằng lăng (gỗ nhóm 5).
Dưới đây là một số hình ảnh tại khu vực rừng sẽ bị ngập trong lòng hồ thủy lợi Ka Pét, ở xã Mỹ Thạnh, H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận:
Bình luận (0)