Bình Thuận cần dồn sức phát triển các sản phẩm thế mạnh

18/03/2015 04:24 GMT+7

Trong hai ngày 16 - 17.3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có chuyến công tác tại Bình Thuận để nắm bắt tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đời sống người dân và tình hình chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp.

Trong hai ngày 16 - 17.3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có chuyến công tác tại Bình Thuận để nắm bắt tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đời sống người dân và tình hình chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp.

Tại buổi làm việc với Chủ tịch nước sáng qua, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Huỳnh Văn Tí cho biết tỉnh đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế khá tốt, lợi thế hiện nay là trái thanh long, kinh tế biển và phát triển du lịch. Tuy nhiên, do kết cấu hạ tầng yếu kém, điểm xuất phát thấp nên Bình Thuận vẫn nằm ở tốp các tỉnh có tốc độ phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Cũng theo ông Tí, hiện Bình Thuận đã khởi công dự án sân bay Phan Thiết. Cuối tháng 4 khởi công xây dựng cảng nước sâu tổng hợp Vĩnh Tân. Riêng dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang được tính phương án giải tỏa đền bù, nếu hoàn thành sẽ góp phần đẩy nhanh sự phát triển cả về kinh tế, văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Bình Thuận, đã biết khắc phục khó khăn, đưa đời sống bà con các dân tộc trong tỉnh nâng lên rõ rệt.

Chủ tịch nước đặc biệt chú ý đến các sản phẩm lợi thế, có sức cạnh tranh tốt tỉnh cần tập trung khai thác, gồm: trái thanh long - hiện có trên 25.000 ha thanh long, chiếm 3/4 diện tích của cả nước với sản lượng trên 500.000 tấn/năm; thế mạnh thủy sản - Bình Thuận có chiều dài 192 km bờ biển, ngư trường rộng lớn xếp thứ 3 cả nước, có trên 7.500 tàu thuyền; thế mạnh về du lịch biển. “Chúng ta không còn một mình một chợ nữa rồi. Trong bối cảnh hiện nay, kiếm được sản phẩm lợi thế như trái thanh long là rất quý, cần phải khai thác ngay thế mạnh của nó. Phải tạo điều kiện tốt để các sản phẩm có sức cạnh tranh tốt phát triển nhanh, mạnh mẽ. Loại sản phẩm nào không có sức cạnh tranh thì phải chuyển dịch hoặc tái cơ cấu” - Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước cũng ghi nhận kiến nghị của Bình Thuận về việc “nới lỏng” quy định đất trồng lúa, để bà con dễ dàng chuyển đổi sang đất trồng thanh long. Vì thực tế trồng thanh long lãi gấp nhiều lần trồng lúa. Khi biết ngư dân Bình Thuận còn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục vay vốn đóng tàu, mua tàu mới theo Nghị định 67, Chủ tịch nước yêu cầu ngân hàng địa phương thành lập ngay tổ công tác, vừa tư vấn vừa giúp ngư dân làm các thủ tục vay vốn cho nhanh.

Trước đó ngày 16.3, Chủ tịch nước đã đến thăm một trang trại thanh long ở H.Hàm Thuận Nam, thăm Nghiệp đoàn nghề cá Bình Hưng, thăm Đồn Biên phòng Mũi Né và một số gia đình chính sách của TP.Phan Thiết. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.