Bình Thuận: Có còn xảy ra sạt lở từ 14 dự án trên đồi cát?

Quế Hà
Quế Hà
01/06/2024 16:53 GMT+7

Sở Xây dựng Bình Thuận đã có công văn gửi đến các địa phương (có dự án trên đồi cát) và chủ đầu tư của 14 dự án bất động sản cảnh báo việc ứng phó sự cố tràn, sạt lở cát xuống khu dân cư.

Ngày 1.6, Sở Xây dựng Bình Thuận cho biết vừa gửi công văn đến TP.Phan Thiết, TX.La Gi và các huyện có dự án xây dựng trên những đồi cát ven biển; đồng thời gửi đến 14 chủ đầu tư dự án bất động sản có xây dựng, san lấp trên các đồi cát để cảnh báo tình trạng sạt lở, gây ngập úng, tràn cát xuống khu dân cư, đường giao thông ven biển.

Nhiều dự án đã được cảnh báo

Theo Sở Xây dựng Bình Thuận, nhằm ứng phó tình trạng mưa lớn, gây sạt lở cát, đe dọa tính mạng và sự an toàn của người dân, đề nghị chủ đầu tư và các địa phương rà soát các công trình, dự án ở địa phương mình.

Bình Thuận: Có còn xảy ra sạt lở từ 14 dự án trên đồi cát?- Ảnh 1.

Sự cố tràn cát từ dự án sentosa villa (Mũi Né, TP.Phan Thiết) rạng sáng 21.5

QUẾ HÀ

Theo đó, phải thành lập đội ứng phó sự cố nhanh tại công trường; chuẩn bị sẵn sàng nhân công và máy móc, phương tiện, không để cát tràn xuống đường khi mưa lớn. UBND các địa phương phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra các hoạt động xây dựng tại các dự án trên đồi cát. Đôn đốc, nhắc nhở các chủ đầu tư nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật trong xây dựng; đặc biệt chú trọng giải pháp kỹ thuật an toàn, không để xảy ra tình trạng sạt lở, tràn cát như thời gian vừa qua.

Theo danh sách mà Sở Xây dựng gửi đến UBND các huyện, thị xã, thành phố, cho thấy 14 dự án mà cơ quan này cảnh báo đều là dự án bất động sản xây dựng trên đồi cát nhìn xuống biển. Trong danh sách này, nhiều dự án bị Sở Xây dựng từng cảnh báo không đủ các yếu tố pháp lý trong kinh doanh, xây dựng; chẳng hạn như dự án Sentosa Villa của Công ty CP đầu tư Sài Gòn vừa bị sự cố sạt lở cát hôm 21.5 vừa qua cũng chưa có giấy phép xây dựng.

Việc sạt lở đồi cát "không thể tránh khỏi"!

Trở lại với vụ sạt lở cát sáng 21.5, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân thừa nhận, dù được thiết kế đúng quy trình, nhưng hệ thống ống nước ngầm của dự án không được đấu nối vào hệ thống thoát nước công cộng là nguyên nhân gây vỡ ống, khiến nước xé rãnh, tràn cát xuống đường.

Ông Tân cho rằng với lượng mưa lớn như vậy, trong khi hệ thống ống nước trong và ngoài dự án chưa đồng bộ thì không cách nào ngăn được dòng nước xói lở cát. Đặc biệt, nhiều khu vực của dự án là nơi cát san lấp, chứ không phải nền cát chắc chắn từ tự nhiên.

Bình Thuận: Có còn xảy ra sạt lở từ 14 dự án trên đồi cát?- Ảnh 2.

Hệ thống thoát nước công cộng không được đấu nối khiến mất tác dụng khi mưa lớn

QUẾ HÀ

Kỹ sư xây dựng Nguyễn Đình Hùng (Công ty xây dựng Hosding Phan Thiết) cho biết, các dự án bất động sản đều được thiết kế bài bản, đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng, nhiều chủ đầu tư tiết kiệm kinh phí đã không tuân thủ thiết kế, lược bớt nhiều công đoạn nhằm giảm chi phí. Chẳng hạn hệ thống thoát nước phải được đấu nối với hệ thống của toàn khu vực, có sự liên kết.

"Khi vận hành thì nước mưa chảy bên trong hệ thống ống thoát của dự án, không chảy trên nền cát. Như vậy rất ít khi xảy ra tràn cát và sạt lở", kỹ sư Hùng cho biết.


Bình Thuận: Có còn xảy ra sạt lở từ 14 dự án trên đồi cát?- Ảnh 3.

Hệ thống thoát nước của dự án được xây dựng ở nền cát bồi lấp không phát huy tác dụng

QUẾ HÀ

Cũng theo kỹ sư Hùng, nhiều dự án ở TP.Phan Thiết hiện nay đều chưa được đấu nối vào hệ thống công cộng của thành phố, tức vẫn là hệ thống đơn lẻ, cục bộ, không có tác dụng khi gặp mưa lớn.

Trong khi đó, PGS-TS Vũ Thanh Ca (giảng viên cao cấp Trường ĐH Tài nguyên Môi trường Hà Nội, chuyên gia về biển và hải đảo) thì cho rằng, việc sạt lở đồi cát liên tục ở Mũi Né (TP.Phan Thiết) thời gian qua có nguyên nhân do các đồi cát bị đào bới, san lấp, làm mất đi lớp thực bì tự nhiên.

"Hoạt động san lấp mặt bằng trước đó đã làm chuyển dịch đất cát, tạo ra các khu vực mà nền đất cát không ổn định, dễ thấm nước, sạt lở và hóa lỏng. Các khối đất cát lớn thấm đẫm nước sẽ tạo ra áp suất thủy tĩnh rất lớn, làm đất cát sạt xuống theo các khe nứt, bị hóa lỏng tạo ra lũ cát, chảy xuống đường và khu dân cư như vừa qua", PGS -TS Vũ Thanh Ca nhận định.

PGS -TS Vũ Thanh Ca cũng cho rằng, để tránh tình trạng lũ cát trên các ngọn đồi tràn xuống khi mưa lớn, điều kiện cần phải làm là không được thay đổi những cân bằng vốn có trong tự nhiên ở các đồi cát. Khi xây dựng công trình, cần có những khảo sát địa chất, thủy văn, cẩn trọng để xây dựng phương án chống sạt lở một cách phù hợp. Không được phép tạo ra các mặt ta luy quá dốc để dẫn tới vận tốc dòng chảy tràn bề mặt quá lớn, gây ra xói mòn và tạo ra các rãnh sạt lở.

Bình Thuận: Có còn xảy ra sạt lở từ 14 dự án trên đồi cát?- Ảnh 4.

Việc sạt lở từ các dự án trên các đồi cát ở Bình Thuận từng diễn ra nhiều lần, gây thiệt hại tài sản của người dân và công trình giao thông của nhà nước

QUẾ HÀ

Còn anh Trần Công Tú, một người dân sống bên dưới một dự án trên đồi cát ở Mũi Né, lo lắng: "Đồi cát nguyên thủy ở trên cao, giờ họ đào ra, san lấp làm mặt bằng xây hàng trăm biệt thự san sát nhau, nhưng lại không chú trọng đến hệ thống thoát nước. Vậy thì mưa lớn làm sao tránh được hiện tượng sạt lở ?".

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 1.6

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.