Bình Thuận đăng ký kết hôn, Bắc Ninh nhận kết quả giấy tờ nhà đất qua Zalo

11/07/2018 13:43 GMT+7

Hàng loạt tỉnh thành như Bắc Ninh, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang… liên tiếp khai trương trung tâm hành chính công trên Zalo, đem đến sự thuận lợi, nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hành chính.

Từ nay, người dân ở nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam có thể tra cứu, nhận kết quả của tất cả thủ tục hành chính ngay trên Zalo, bao gồm: nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy đăng ký sử dụng đất, giấy phép xây dựng, đăng ký bổ sung hộ tịch, đăng ký biển số xe máy, nhập quốc tịch Việt Nam, thẩm định xếp hạng cho cơ sở lưu trú du lịch… thậm chí có thể nhận kết quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại.
“Bùng nổ” chính quyền 4.0 trên Zalo
Ngày 6.7.2018, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức khai trương “Ứng dụng Zalo trong cải cách hành chính”, đáp ứng mô hình xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ tốt hơn cho người dân trong quá trình làm thủ tục hành chính. Trước đó, vào sáng ngày 2.7, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã chính thức ký kết hợp tác với Zalo trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến công bố mô hình Kiến trúc Chính quyền điện tử.
Như vậy, chỉ trong vòng một tuần, Bắc Ninh và Bình Thuận liên tiếp khai trương trung tâm hành chính công trên Zalo, nỗ lực thực hiện nghị quyết của Chính phủ xây dựng chính quyền 4.0, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện mức độ hài lòng của người dân.
Zalo được chính quyền điện tử tỉnh ứng dụng vào kênh giao tiếp trực tuyến giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp. Kênh này có tính năng thông báo cho người dân tình trạng giải quyết kết quả hồ sơ; cho phép người dân đánh giá mức độ hài lòng với cơ quan nhà nước; thông báo khi phản ánh kiến nghị của người dân được tiếp nhận, trả lời; thông tin tới người dân các chính sách mới của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh là đơn vị tiên phong sử dụng Zalo như một kênh điều hành nội bộ trong đội ngũ công chức. Tỉnh sẽ xây dựng kênh thông tin chỉ đạo điều hành nội bộ tỉnh trên Zalo, có tính năng thông báo cho cán bộ, công chức, viên chức qua Zalo khi có văn bản đến cần xử lý, văn bản chờ phê duyệt, lịch họp… Được biết, tỉnh Bắc Ninh cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc cho phép người dân đánh giá mức độ hài lòng, gửi kiến nghị đến cơ quan nhà nước sau quá trình làm thủ tục hành chính nhằm lắng nghe ý kiến của người dân, minh bạch hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính.
Cùng với Bắc Ninh và Bình Thuận, Đồng Nai, Đà Nẵng, An Giang, Tiền Giang cũng đã hoàn thành các khâu tích hợp dịch vụ và giới thiệu rộng rãi dịch vụ đến người dân. Ngoài ra, khoảng 20 tỉnh thành khác của Việt Nam cũng đang trong quá trình xây dựng kết nối kỹ thuật với Zalo và dự kiến sẽ công bố rộng rãi trong năm 2018.
Các tỉnh thành ứng dụng Zalo vào cải cách hành chính, xây dựng chính quyền 4.0
Kỳ vọng qua việc ứng dụng Zalo xây dựng chính quyền 4.0
Theo nhận định của đại diện các tỉnh/ thành đã triển khai, chính quyền điện tử là một chương trình quan trọng trong thời đại 4.0, và tỉnh nhà cũng không nằm ngoài xu thế ứng dụng công nghệ thông tin vào bộ máy nhà nước. Việc xây dựng mô hình chính quyền điện tử nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, và nếu cơ quan nhà nước vận dụng Zalo vào cải cách hành chính một cách hợp lý sẽ giúp mang lại hiệu quả cao, tăng cường sự tương tác giữa người dân và chính quyền trên môi trường mạng, nâng cao tính công khai minh bạch, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư và xây dựng chính quyền kiến tạo.
Tuy nhiên, việc hoàn thành tích hợp kỹ thuật với Zalo chỉ là bước đầu. Chính quyền các tỉnh mong muốn việc dùng Zalo để tương tác với người dân phải mang tính thực tiễn cao, đi vào thực chất, giải quyết được các vấn đề tồn đọng trong cải cách hành chính. Đồng thời trong thời gian tới, để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ được những tiện ích được thụ hưởng thông qua Zalo và thúc đẩy hiệu quả trong việc ứng dụng Zalo vào xây dựng chính quyền 4.0, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn trên hệ thống thông tin đại chúng, cung cấp thông tin rộng rãi đến người dân, và xem đó là mục tiêu trọng tâm sau quá trình tích hợp kỹ thuật.
“Để việc ứng dụng Zalo trong cải cách hành chính đạt được hiệu quả cao nhất, các sở ngành cần quán triệt các cán bộ công chức, viên chức cài đặt và tăng cường sử dụng Zalo trong hoạt động của cơ quan nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, tương tác với người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở Nội vụ cần tham mưu dự án tỉnh, đưa kết quả ứng dụng Zalo phục vụ người dân và doanh nghiệp vào nội dung công tác thi đua hàng năm”, ông Nguyễn Tiến Nhường - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.