Theo thống kê mới nhất của ngành du lịch tỉnh Bình Thuận, tính đến ngày 17.11, toàn tỉnh đón ước đạt 9,68 triệu lượt du khách, đạt 101,36% kế hoạch năm 2024 và tăng gần 16% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động du lịch đạt 25.530 tỉ đồng, đạt 100,12% kế hoạch, tăng 14,44% so năm trước.
Theo nhận định của Sở VH- TT- DL tỉnh Bình Thuận, các hoạt động trong năm của ngành đa dạng, phong phú và chất lượng. Những dịp nghỉ lễ, tết dài ngày của người lao động, các cơ sở kinh doanh đều chuẩn bị chu đáo các sản phẩm du lịch có chất lượng, thêm vào đó là chương trình kích cầu, ưu đãi giảm giá, nên lượng khách nội địa đến với du lịch Bình Thuận khá đông.
Điểm đến thu hút đông khách nhất của du lịch Bình Thuận vẫn là Khu du lịch quốc gia Mũi Né và các điểm nghỉ dưỡng ven biển như Hàm Thuận Nam, La Gi, Tuy Phong.
Điều khá đặc biệt trong năm 2024 là điểm đón khách đảo Phú Quý thu hút một lượng khách rất đông. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 644 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 20.251 phòng, tình trạng thiếu phòng vào dịp lễ dài ngày đã ít xảy ra.
Năm qua, ngành du lịch Bình Thuận đã tham gia các chương trình xúc tiến du lịch ở trong nước và quốc tế như: Chương trình xúc tiến du lịch Bình Thuận tại Hàn Quốc diễn ra từ ngày 6 đến 11.5; ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 20; lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ XI năm 2024; hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM lần thứ 18 năm 2024 (ITE HCMC 2024); không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm du lịch Bình Thuận tại Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia - Điện Biên Phủ và lễ hội hoa ban 2024. Ngoài ra, ngành du lịch còn xây dựng kế hoạch và tổ chức thành công Tuần lễ văn hóa, ẩm thực du lịch Bình Thuận năm 2024.
Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức tuần lễ vàng du lịch Bình Thuận năm 2024 nhân kỷ niệm 29 năm Ngày Du lịch Bình Thuận. Đề xuất nội dung hợp tác, quảng bá về du lịch Bình Thuận trong quá trình tỉnh thăm và làm việc với chính quyền thành phố Sokcho, đảo Jeju (Hàn Quốc) và chính quyền đảo Okinawa (Nhật Bản).
Tuy nhiên, theo nhận định của UBND tỉnh Bình Thuận, ngành du lịch tỉnh vẫn còn bộc lộ những hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng của mình. Nhiều dự án trong lĩnh vực du lịch còn gặp vướng mắc, khó khăn, chậm được tháo gỡ. Các sản phẩm du lịch chưa thật sự đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách; thiếu các sản phẩm mới, nổi bật và khác biệt, tạo động lực để phát triển. Tất cả các hạn chế, yếu kém phải được rút kinh nghiệm để hoạt động tốt hơn cho năm 2025, năm đón nhiều sự kiện quan trọng, với nhiều ngày lễ lớn của đất nước.
Bình luận (0)