Không có cơ sở giải quyết việc xin khai thác kho báu 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty
Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL Bình Thuận gửi UBND tỉnh ngày 11.4, việc ông Huỳnh Phú Tân (ngụ ấp Hòa 1, xã Long Điền, H.Đông Hải, Bạc Liêu) có đơn xin khai thác kho báu là 3 tấn vàng (gửi lần thứ 3) được cho là do quân đội Nhật chôn giấu dưới lòng sông Cà Ty, cho đến nay, ông này vẫn không cung cấp thêm thông tin theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Trước đó, ngày 29.3, Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận có công văn hướng dẫn ông Tân thực hiện các bước khi ông này có đơn xin được khai thác kho báu là 3 tấn vàng đang chôn giấu dưới lòng sông Cà Ty.
Thông tin mới vụ xin khai thác ‘3 tấn vàng’ dưới sông Cà Ty
Tuy nhiên, đơn của ông Huỳnh Phú Tân (đề ngày 1.4) gửi đến Sở VH-TT-DL Bình Thuận không có phương án thăm dò và phương án khai thác kho báu, chỉ nêu thời gian và cách thức thực hiện. Ông Tân cũng không cung cấp được tư liệu hay hình ảnh để chứng minh có kho báu 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty.
Sở VH-TT-DL Bình Thuận đã 2 lần làm việc trực tiếp với ông Tân (mới nhất vào ngày 10.4) nhưng ông Tân vẫn không cung cấp được thông tin, tài liệu liên quan đến kho báu dưới sông Cà Ty.
Ông Tân cho biết, chỉ nghe một người quen hiện đang sống ở H.Tánh Linh, Bình Thuận (khoảng 80 tuổi) kể lại và người này đặt vấn đề để ông đứng ra xin khai thác (không phải cụ tổ ông phát hiện như ông từng ghi trong đơn lần trước - PV). Tuy nhiên, ông Tân cũng chỉ nói vậy mà không cung cấp được tên tuổi cụ già 80 tuổi ở H.Tánh Linh "tiết lộ về kho báu 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty" là ai.
Từ thực tế này, Sở VH-TT-DL Bình Thuận khẳng định không có cơ sở để xem xét, giải quyết việc ông Tân xin khai thác kho báu 3 tấn vàng dưới lòng sông Cà Ty.
'Kho báu 3 tấn vàng' không phải di sản văn hóa
Cũng theo Sở VH-TT-DL Bình Thuận, vật quý mà ông Tân đề trong đơn là 3 tấn vàng không phải là di sản văn hóa (hay di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật) nên không thuộc chức năng, thẩm quyền quản lý nhà nước của Sở VH-TT-DL.
Sở VH-TT-DL Bình Thuận cho rằng, Nghị định 05/2017/NĐ-CP ngày 16.1.2017 của Chính phủ quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam; đối với nhóm tài sản bị chìm đắm (chôn giấu) là vàng như trong đơn đề nghị của ông Huỳnh Phú Tân, thì thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 5 điều 12, do Sở GTVT chủ trì.
Tuy nhiên, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 5.3.2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; đối với nhóm tài sản bị chìm đắm (chôn giấu) là vàng như trong đơn đề nghị của ông Huỳnh Phú Tân, thì thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 4 điều 22, do Sở Tài chính là cơ quan chủ trì.
Do đó, Sở VH-TT-DL đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận không xem xét, giải quyết đối với đơn xin khai thác vật quý của ông Huỳnh Phú Tân. Lý do, ông Tân không cung cấp được thông tin, hình ảnh, tư liệu gì cụ thể, rõ ràng để chứng minh có sự việc và nguồn gốc về nơi chôn giấu vật quý, kho báu 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty mà ông này đã nêu.
Như Thanh Niên đã đưa tin, ông Huỳnh Phú Tân gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận xin được khai thác kho báu là 3 tấn vàng mà theo ông do quân đội Nhật chôn giấu dưới lòng sông Cà Ty. Ông Tân cho biết nếu được cấp phép sẽ khai thác ngay, với điều kiện tỉnh Bình Thuận cho công an canh gác, cán bộ kho bạc giám sát thì tài sản (3 tấn vàng) khai quật được ông sẽ chuyển vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận 70%, chỉ xin giữ lại 30%.
Bình luận (0)