Bình Thuận: Tàu cá nằm bờ, ngư dân gặp khó vì giá dầu liên tục tăng cao

Quế Hà
Quế Hà
22/02/2022 16:59 GMT+7

Bình Thuận là tỉnh có hơn 7.500 tàu cá, là một trong những ngư trường lớn nhất cả nước với hàng nghìn ngư dân sống bằng nghề đánh bắt. Tuy nhiên, giá dầu liên tục tăng cao thời gian qua khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ , gây nhiều khó khăn cho ngư dân đi biển.

Ngư dân gặp khó

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Bình Thuận, tỉnh này có hơn 7.500 tàu cá, trong đó tàu lớn chiều dài hơn 15 m có gần 2.000 tàu. Bình Thuận là tỉnh có chiều dài bờ biển dài tới 192 km, là một trong 3 ngư trường lớn nhất cả nước (cùng với Bà Rịa - Vũng TàuKiên Giang). Từ giáp Tết Nhâm Dần đến nay, giá dầu tăng cao tới… 3 lần. Mỗi lần tăng thì chi phí của tàu cá ra khơi lại đội lên, khiến cho thu nhập của ngư dân và chủ tàu giảm đi rất nhiều. Thậm chí từ sau tết đến nay, nhiều tàu cá phải nằm bờ vì không chịu nổi chi phí mỗi chuyến đi biển dài ngày.

Tàu cá neo đậu tại cửa sông Cà Ty, TP.Phan Thiết sáng 22.2

QUẾ HÀ

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá dầu tăng tới 4 lần (vào các ngày 11.1, 21.1, 11.2 và mới nhất là ngày 21.2). Chiều 22.2, điện thoại trao đổi với PV Thanh Niên từ đảo Đá Lát (Trường Sa), ngư dân Phạm Quang Phong (một chủ tàu cá ở xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý) cho biết tàu cá của ông ra biển được 4 ngày nay và đang đánh bắt ở đảo Đá Lát. Do giá xăng dầu tăng cao nên chuyến biển này ông Phong giảm từ 9 lao động xuống còn 5 lao động, trong khi tàu cá của ông dài 23 m (829 CV).

“Đi ra tới đây đã tốn hơn 400 lít dầu rồi. Nếu không có cá, đi về tới đảo tốn ngần ấy dầu nữa thì lỗ to. Mỗi đêm đánh bắt tàu cá ngốn hết 400 lít dầu, chi phí khoảng gần 9 triệu đồng/đêm. Tức là mỗi đêm phải đánh được hơn 1,2 tấn cá mới đủ chi phí”, ông Phong kể.

Theo ông Phong, mùa này không phải mùa cá chính (từ tháng 5 đến tháng 8 mới là mùa vụ cá chính), do vậy sản lượng đánh bắt không cao. Do tâm lý sợ lỗ, nhiều tàu cá lớn trên đảo Phú Quý không dám ra khơi.

Tương tự, ông Bạch Lòng, chủ của 6 tàu cá ở KP.7, xã Bình Tân (TX.La Gi), cho biết hiện ông phải "nuôi quân" tới 60 gia đình vì họ gắn bó lâu năm với tàu cá của mình. Theo ông Lòng, do giá dầu tăng quá nhanh khiến mọi chi phí đều tăng theo trên tàu cá. "Ngày trước, các chủ cây xăng còn cho ứng dầu trước đi biển, về bán cá thì trả. Nhưng kể từ sau đợt dịch Covid-19, nhiều cây xăng không cho ứng dầu trước nữa. Dầu đã đắt đỏ lại còn khó mua, nên nhiều tàu cá đành phải nằm bờ”, chủ tàu cá này thở dài.

Một tàu cá ở P.Bình Hưng, TP.Phan Thiết chuẩn bị ra khơi sáng ngày 22.2

QUẾ HÀ

Tàu thu mua cũng nằm bờ

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, chủ vựa cá Bích Thanh (cảng Phan Thiết), việc giá dầu tăng cao bất ngờ năm nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến bà con ngư dân cũng như các chủ tàu cá. Ông Thanh cho biết cái lạ năm nay không chỉ giá dầu tăng cao, rất cao mà lại còn khan hiếm, khó mua. Nhiều đại lý không có dầu bán cho các chủ tàu. “Năm ngoái, giá dầu chỉ khoảng 16.500 đồng/lít thì 1 kg mực bán được 120.000 đồng. Nay giá dầu tăng tới hơn 20.000 đồng/lít thì 1 kg mực chỉ còn 80 - 90.000 đồng. Do thời điểm này đã qua mùa bán tết, không còn hút hàng nữa”, ông Thanh cho hay.

Hàng loạt tàu hậu cần, thu mua cá trên biển phải nằm bờ tại cảng cá Phan Thiết sáng 22.2

QUẾ HÀ

Dù khó khăn là vậy, nhưng các chủ ghe vẫn phải giữ chân bạn chài với nhiều chi phí nhưng lại không đi biển. Theo ông Thanh, nếu các chủ tàu không giữ bạn chài họ sẽ khó khăn, sẽ bỏ biển đi chạy xe ôm, đi chăm sóc thanh long để kiếm thu nhập. Khi cần người đi biển lúc đó lại bị động không kiếm ra bạn chài. “Hàng hóa thì giá thấp, giá dầu lại tăng vọt, nhưng chủ tàu không dám bỏ bạn chài, nên kiểu gì chủ tàu cá cũng lỗ”, ông Thanh ngao ngán.

Cảng cá Cồn Chà, TP.Phan Thiết sáng sớm 22.2 thưa thớt người vì không có cá

QUẾ HÀ

Các chủ tàu khó khăn, kéo theo các chủ vựa, người thu mua cũng gặp khó. “Các nậu vựa cũng phải chi phí nuôi công nhân của mình khi không có hàng thu mua, rồi còn thuế, chi phí mặt bằng, bến bãi đủ thứ, trong khi thiếu hàng nghiêm trọng. Đó là chưa kể phải ứng tiền cho chủ ghe đi biển, họ có cái ăn thì mình mới sống được, đâm lao phải theo lao thôi. Thế nhưng nhiều bạn hàng của tôi nằm bờ, khiến các tàu thu mua của tôi cũng nằm bờ theo, vì ra biển có cá đâu mà mua”, ông Thanh cho biết.

Theo quan sát của PV Thanh Niên, kể từ sau Tết Nguyên đán, khi giá dầu liên tục tăng cao khiến hàng trăm tàu cá công suất lớn của Bình Thuận (TP.Thiết, TX.La Gi) phải nằm bờ.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, thừa nhận giá dầu liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay gây khó khăn cho nghề biển của bà con ngay từ đầu năm. Ông Huy cho rằng, không chỉ giá tăng vọt mà dầu còn khan hiếm, làm cho giá thành mỗi chuyến đi biển tăng cao, hiệu suất đánh bắt sẽ giảm xuống, thu nhập của bà con ít đi rõ rệt. Đó là chưa kể, nếu tàu nằm bờ dài ngày sẽ mau hư hỏng vì không được bảo dưỡng thường xuyên như lúc hoạt động trên biển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.