Lăng kính bạn đọc:

Bịt lỗ hổng bảo mật thông tin cá nhân bằng luật

Kim Lan
Kim Lan
(tổng hợp)
03/04/2023 05:56 GMT+7

Bạn đọc hy vọng nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân sẽ sớm ra đời để các bất cập về quy định pháp luật trong lĩnh vực này được khắc phục.

Như Thanh Niên vừa thông tin, ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của người dân còn hạn chế, trong khi tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân tràn lan trên mạng, là một trong các nguyên nhân dẫn đến gia tăng các vụ lừa đảo công nghệ trong thời gian gần đây.

Thông tin từ Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ TT-TT) cho thấy "lỗ hổng" trong bảo mật thông tin cá nhân tại VN chủ yếu đến từ 2 nguồn: Thứ nhất, nguồn chủ động từ phía chính người dùng khi họ vô tư chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội ở chế độ công khai. Nguồn thứ hai là bị động, khi các cá nhân thực hiện các giao dịch mua hàng, học online, tham gia các hoạt động tại các CLB trung tâm thể dục thể thao, dịch vụ tư vấn sức khỏe, làm đẹp… Những nơi này lẽ ra phải đảm bảo lưu trữ an toàn thông tin có trách nhiệm cho khách hàng, người dùng, nhưng hiện nay tại VN chưa đảm bảo.

Lăng kính bạn đọc: Bịt lỗ hổng bảo mật thông tin cá nhân bằng luật - Ảnh 1.

Trên thực tế, đã có rất nhiều người bị đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản từ các cuộc điện thoại

Đào Ngọc Thạch

Hoang mang vì thiếu kỹ năng

Phát biểu trên Thanh Niên, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu nhận xét việc bảo mật thông tin cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của chính bản thân người dân. Trong nhiều trường hợp, người dân hoang mang trước một cuộc gọi lừa đảo vì thiếu kỹ năng nhận biết nguy cơ. Ông Hiếu đưa ra một ví dụ: "Người dân nên lưu ý, nếu đối tượng nào đó chủ động liên lạc, làm quen, mời kết bạn qua Facebook, Zalo sau đó dụ sang Telegram thì hãy cảnh giác, chặn ngay kết bạn bởi đó có thể là một trong những dấu hiệu lừa đảo".

Tuy nhiên, không phải ai cũng trang bị đủ cho mình những kiến thức cần thiết để kịp nhận ra "một cuộc gọi lừa đảo". Bạn đọc (BĐ) Trịnh Cường kể: "Ngay ngày 30 và 31.3 vẫn có nhiều cuộc gọi vào máy của tôi, của người thân tôi mời hợp tác tào lao, rao làm đủ các loại bằng cấp, giấy tờ đảm bảo như thật, hoặc dọa cắt sim cắt số. Họ đọc thông tin cá nhân chúng tôi vanh vách, làm sao mà không hoang mang?". Nhiều BĐ nhắc đến các cuộc gọi lừa đảo "mạo danh cả cơ quan điều tra, viện kiểm sát" khiến nạn nhân trong lúc bối rối tức thời không kịp nhận ra các dấu hiệu vô lý. BĐ Minh Nghĩa chia sẻ: "Tôi từng nhận cuộc gọi như vậy, biết là lừa đảo, nhưng ngay lúc đó không khỏi thất thần, cũng phải bình tĩnh lại vài phút sau mới tự mình nghi ngờ, tắt điện thoại, nhưng vẫn lo".

Đề cập đến những lo lắng rò rỉ thông tin cá nhân, BĐ Mr Bảo đặt câu hỏi: "Tự bảo vệ, bảo mật thông tin cá nhân bằng cách nào khi mở thẻ ngân hàng, mua sim điện thoại, thuê nhà trọ, mua hàng trả góp... tất thảy đều cần khai báo?". Cùng suy nghĩ, BĐ Chienhoang nêu: "Bảo mật là không đưa cho ai hết? Nhưng đi làm thủ tục gì cũng cần thông tin cá nhân thì bảo mật làm sao!".

Bảo vệ bằng luật

Đặt nhiều hy vọng vào việc sớm luật hóa khâu bảo vệ dữ liệu cá nhân, BĐ Gia Huynh nêu ý kiến: "Mua hàng online cũng phải đưa tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ để nhận hàng, thế là thông tin có thể bị thu thập, sử dụng rồi. Việc này có đúng luật không? Luật quy định thế nào? Vấn đề ngoài tầm chủ động của người dân mà phải do các biện pháp quản lý và xử lý mạnh tay của cơ quan chức năng. Chúng tôi muốn thấy một vài vụ án xử lý hình sự nghiêm khắc, được công khai, xử lý những người mua bán, rò rỉ thông tin cá nhân như hình thức răn đe".

Các cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động phối hợp, đồng bộ trách nhiệm, đồng bộ giải pháp để xử lý triệt để các cuộc gọi lừa đảo đang gây bức xúc.

daoanhtuanhp1970

Chặn cuộc gọi giả mạo thì tổng đài ghi nhận dễ thôi, nếu là số điện thoại sales thì phải đăng ký.

Tran Le Phuong Binh

Các nhà mạng, các cơ quan chức năng phối hợp tích cực thì tóm gọn bọn lừa đảo. Trước mắt tự cảnh giác cho chính mình và người thân thôi.

Trịnh Cường

Đa số BĐ cho rằng "nguồn rò rỉ bị động" cần phải nhờ bàn tay kiểm soát, can thiệp từ cơ quan chức năng. "Đã biết người bán thì cần xử lý luôn người mua dữ liệu cá nhân bất hợp pháp. Luật hóa vấn đề này là biện pháp cần thiết", BĐ Tuan An nêu.

Trước nhiều ý kiến quy định pháp luật về bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân tại VN còn bất cập, năm 2022, Bộ TT-TT cũng đã đề nghị Bộ Công an hoàn thiện, trình ban hành nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tiến tới xây dựng luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đầu tháng 2, Chính phủ đã thông qua, ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.