Hàng hóa nhập khẩu dưới 1 triệu đồng phải đóng thuế
Nghị quyết 174/2024 của Quốc hội khóa XV (có hiệu lực từ ngày 14.1) nêu rõ chấm dứt ngay hiệu lực của quy định miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong Quyết định số 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý và chế tài quản lý thu đối với các sàn thương mại điện tử từ nước ngoài bán hàng vào VN. Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ (dưới 1 triệu đồng) sẽ không còn được miễn thuế GTGT khi gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh của các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok, Lazada… như nhiều năm qua.
Với tốc độ tăng trưởng chóng mặt của thương mại điện tử tại VN, quy định trên được xem là "lỗ hổng" để hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài tràn vào VN. Trước đó, báo cáo từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội dẫn số liệu của Tổng công ty CP Bưu chính viễn thông cho biết, tại thời điểm tháng 3.2023, có trung bình 4 - 5 triệu đơn hàng/ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về VN. Giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng; hằng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỉ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử. Ước tính theo số liệu nói trên, bình quân mỗi ngày có hơn 1.000 tỉ đồng hàng giá rẻ được nhập khẩu thì riêng tiền thuế GTGT, mỗi năm nhà nước đã thất thu hơn 36.000 tỉ đồng.
Song song đó, Nghị định số 134/2016 của Chính phủ quy định hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có trị giá hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới 100.000 đồng được miễn thuế. Như vậy, trước nay hàng hóa dưới ngưỡng 1 triệu đồng vừa được miễn thuế GTGT vừa được miễn thuế nhập khẩu. Tổng cộng ước số thu thuế GTGT và thuế nhập khẩu (giả sử khoảng 5%) mỗi năm VN đã bị thất thu lên đến hơn 50.000 tỉ đồng.
Quan trọng hơn, với sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok, Lazada, một lô hàng từ Trung Quốc chuyển vào tận phía nam cũng chỉ mất 2 - 3 ngày. Thực tế, có tình trạng lợi dụng chính sách miễn thuế này mà đơn hàng được xé nhỏ còn vài ba trăm nghìn đồng để trốn tránh thuế, gây thất thu thuế rất lớn cho ngân sách. Cộng với mẫu mã đa dạng, phí ship thấp thì việc được miễn thuế GTGT khiến hàng Việt không cạnh tranh được. Các hệ thống phân phối trong nước cũng chịu ảnh hưởng lớn, khiến ngành sản xuất trong nước ngày càng giảm sút.
Bộ Tài chính cũng nhận định, quy định miễn thuế GTGT với hàng giá trị nhỏ qua chuyển phát nhanh không còn phù hợp trong bối cảnh thương mại điện tử tăng trưởng rất nhanh qua các năm. Năm 2010, khi hệ thống hải quan chỉ thuần túy thực hiện theo thủ công, quy định này đã giúp đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa, giảm số lượng hàng phải khai nộp thuế. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia như Anh, Úc, Thái Lan, Singapore… gần đây cũng đã bãi bỏ quy định miễn thuế GTGT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ. Các chuyên gia dự án tạo thuận lợi thương mại (TFP) cũng khuyến nghị VN cân nhắc bỏ quy định này. Vì vậy, việc bãi bỏ chính sách miễn thuế sẽ đảm bảo công bằng, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước, đồng thời bổ sung nguồn lực cho ngân sách.
Chi phí thực hiện thu thuế không lớn
Theo nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, trong 9 tháng năm 2024, người Việt bình quân chi 1 tỉ USD mua hàng online mỗi tháng. Đặc biệt, thị trường thương mại điện tử chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ. Các sản phẩm có giá dưới 200.000 đồng chiếm hơn một nửa tổng doanh số toàn thị trường, với mức tăng 9% thị phần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, phân khúc dưới 100.000 đồng đã tăng 5% thị phần, trong khi phân khúc từ 100.000 - 200.000 đồng tăng thêm 4%. Điều này cho thấy sức hút lớn của các sản phẩm giá rẻ đối với người tiêu dùng, phản ánh xu hướng tiêu dùng thông minh trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động.
Metric dự báo trong quý 4/2024, tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất VN (gồm Shopee, Lazada, Sendo, Tiki và TikTok Shop) đạt mức 80.600 tỉ đồng với 870 triệu sản phẩm được bán ra. Trong đó, tăng trưởng cao nhất rơi vào tháng 12 với mức tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023, một phần do Tết âm lịch 2025 đến sớm hơn…
Nhìn nhận quy định mới có thể làm tăng thủ tục kê khai thuế đối với hàng hóa giá trị nhỏ, Bộ Tài chính khẳng định hệ thống công nghệ hiện đại sẽ đảm bảo quy trình thông quan và quản lý hàng hóa diễn ra nhanh chóng, không gây gián đoạn.
Rất hoan nghênh việc Quốc hội và Chính phủ đã "siết" quy định đối với hàng hóa giá rẻ nhập vào VN, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng điều này sẽ đảm bảo công bằng cho hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, Chính phủ cần xem lại và bãi bỏ luôn quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống qua chuyển phát nhanh hoặc có số thuế phải nộp dưới 100.000 đồng theo Nghị định 134/2016. Bởi hàng hóa nhập khẩu đều phải được đánh thuế ngang bằng như nhau, không phân biệt giá trị, từ đó mới tạo ra sự công bằng cho hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. Theo xu hướng bùng nổ của thương mại điện tử, không chỉ có các sàn đã hoạt động tại VN mà trong tương lai còn có thể xuất hiện thêm nhiều sàn khác. Chẳng hạn như việc sàn Temu chưa đăng ký đã vào quảng bá và bán hàng rầm rộ trong nước. Từ đó, hàng giá rẻ sẽ càng tràn vào VN nếu không bỏ các quy định miễn thuế nói trên.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Xoa (Công ty luật Minh Đăng Quang), chuyên gia về thuế, phân tích: Cách nay 15 năm khi Chính phủ ban hành Quyết định số 78/2010 để phù hợp quy định quốc tế cũng như thương mại điện tử chưa phát triển, hàng hóa nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh không nhiều. Đồng thời, việc hiện đại hóa ngành hải quan, thuế chưa mạnh nên chi phí tổ chức thực hiện (hành thu) để kiểm tra, thu thuế hàng giá trị nhỏ sẽ lớn. Tuy nhiên, hiện nay hàng hóa ngày càng rẻ. Với mức 1 triệu đồng, nhiều người mua được nhiều sản phẩm khác nhau. Cùng với xu hướng thương mại điện tử phát triển mạnh, vận chuyển nhanh, quy định này lại bị nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng. Điều đó khiến nhà nước bị thất thu thuế trong khi hàng hóa trong nước "lép vế" ngay trên sân nhà. Hơn nữa, đến nay việc kê khai hàng hóa xuất nhập khẩu của cá nhân hay doanh nghiệp, làm thủ tục hải quan và thuế đều được triển khai qua mạng, không mất nhiều thời gian. Vì vậy, chi phí tổ chức hành thu đối với tất cả hàng hóa nói chung hay hàng giá trị nhỏ không lớn như trước đây.
Các bộ, ngành đã áp dụng số hóa rất mạnh, hầu hết thủ tục hành chính được thực hiện online. Chính vì vậy, chi phí hành thu ngày càng giảm. Song song đó, cần phải bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống theo Nghị định 134/2016 của Chính phủ. Các chính sách cần thực hiện đồng bộ để thực hiện không rối và thực sự mang lại sự công bằng cho hàng hóa trong nước và gia tăng nguồn thu cho nhà nước.
Luật sư Trần Xoa
Bình luận (0)