"Chỉ cơ chế tốt là chưa đủ"
Ông Phạm Trọng Đạt, nguyên Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), cho rằng xác minh tài sản, thu nhập (TSTN) bằng hình thức bốc thăm ngẫu nhiên 10% chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, để tránh tình huống "bốc kiểu gì mà toàn vào những ông không có tài sản", việc xác minh phải thực hiện đối với 100% những người thuộc diện kê khai, có như vậy mới đảm bảo công bằng, minh bạch.
Trong khi đó, TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) nhận định số lượng người phải kê khai TSTN hiện nay quá lớn khiến nguồn lực xác minh dàn trải. Thay vào đó cần thực hiện kê khai có chọn lọc hơn, ưu tiên những vị trí tập trung quyền lực, nơi cá nhân nắm giữ các vị trí quan trọng. "Một cô hiệu trưởng ở Hà Nội sẽ rất khác một cô hiệu trưởng ở miền núi. Hay như câu chuyện Giang Kim Đạt, đâu phải trưởng phòng nào cũng được như vậy, hoặc có phải ai cũng như thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế trong vụ kit test Việt Á đâu?", ông Minh nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường thì cho rằng vấn đề không nằm ở phạm vi kê khai hoặc số phần trăm bốc thăm xác minh. Bởi lẽ, luật hiện hành đã thu hẹp đối tượng kê khai TSTN rất nhiều. Cán bộ, công chức vẫn phải kê khai lần đầu, nhưng kê khai hằng năm chỉ áp dụng khi tài sản có biến động từ 300 triệu đồng hoặc cán bộ từ giám đốc sở và tương đương trở lên... Nhờ đó, trước đây mỗi năm có tới hơn 1 triệu bản kê khai, nay chỉ còn khoảng 600.000 bản.
Tuy đã thu hẹp nhưng với số lượng bản kê khai như vừa nêu, ông Cường khẳng định việc xác minh 100% là không khả thi. Ngược lại, với quy định bốc thăm ngẫu nhiên, dù là cán bộ cấp cao hay cấp thấp, đều có thể bị xác minh trong một năm bất kỳ. "Cơ chế hiện nay về xác minh TSTN, tôi nghĩ rằng tương đối tốt rồi", ông Cường nói.
Dù vậy, chỉ cơ chế tốt là chưa đủ, theo ông Cường, nếu khâu tổ chức thực hiện không tốt thì cơ chế ấy chỉ nằm trên giấy. Hiện nay cán bộ xác minh TSTN chủ yếu thuộc diện "tay đôi", kiêm nhiệm, trong khi việc xác minh TSTN đòi hỏi nghiệp vụ rất khó, "gần như điều tra". Ông Cường kiến nghị nâng cao năng lực cho đội ngũ này, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa ngân hàng, tài chính, thuế, đất đai… với cơ quan kiểm soát TSTN.
Có nên kê khai cả vợ chồng, anh em ?
Trong vụ án AVG - Mobifone, sau khi nhận hối lộ 3 triệu USD, cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son đưa toàn bộ cho con gái, dặn không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy. Ở vụ án Xuyên Việt Oil, trong số tiền hàng triệu USD nhận từ phía doanh nghiệp xăng dầu, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ gửi 440.000 USD tại nhà em trai. Tương tự, với 5 triệu USD nhận hối lộ trong vụ Vạn Thịnh Phát, cựu Cục trưởng thuộc Ngân hàng Nhà nước Đỗ Thị Nhàn chia thành 2 phần, gửi ở nhà họ hàng tại tỉnh Nam Định và nhà của em trai.
Những ví dụ trên cho thấy tài sản, nhất là tài sản bất minh, thường không chỉ nằm "chình ình" ở nhà hoặc trong tài khoản của cán bộ tham nhũng, mà được tẩu tán, che giấu bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc chuyển cho người thân, bạn bè đứng tên hộ. Nếu chỉ thực hiện kê khai, xác minh TSTN đối với cán bộ thì liệu có đủ?
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường thừa nhận đây là vấn đề rất khó, rất nan giải. Dẫu biết tài sản bất minh thường được chuyển dịch cho người thân của người vi phạm, nhưng nếu mở rộng phạm vi kê khai thì liệu có khả thi?
Bởi lẽ trong một gia đình, người con không thể biết hết bố mẹ có tài sản gì, bố mẹ có quyền của họ, không thể yêu cầu "bố mẹ ơi có bao nhiêu tài sản đưa ra đây để con kê khai". Tương tự, bố mẹ vợ hay anh chị em cũng vậy. Việc mở rộng phạm vi xác minh chỉ phù hợp khi chứng minh được cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, nguồn gốc tài sản của người thân có liên quan đến sai phạm.
Trước mắt khi chưa thể mở rộng phạm vi kê khai TSTN, giải pháp thiết thực hơn có lẽ là tăng cường hiệu quả kiểm soát TSTN của chính bản thân cán bộ, công chức. TS Đinh Văn Minh cho rằng phải tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu, trọng tâm là cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN. Với cơ sở dữ liệu này, việc kiểm tra người kê khai có trung thực hay không sẽ dễ dàng hơn. Cơ quan kiểm soát TSTN chỉ cần tra cứu theo số định danh sẽ ngay lập tức hiển thị toàn bộ thông tin về đất đai trên phạm vi cả nước, hoặc số dư tại tất cả các tài khoản, thay vì phải gửi văn bản xác minh khắp nơi.
Hình sự hóa tội làm giàu bất chính
Song song với hoàn thiện cơ chế xác minh TSTN, việc nâng cao chế tài xử lý đối với hành vi kê khai TSTN không trung thực cũng được kỳ vọng sẽ khiến cán bộ, công chức thấy răn đe hơn. Như lời ông Phạm Trọng Đạt, đã vi phạm thì dứt khoát xử lý nghiêm, để cả người vi phạm và người xung quanh "thấy khiếp sợ".
Muốn làm được điều này, TS Đinh Văn Minh đề xuất không chỉ dừng lại ở mức kỷ luật mà cần mở rộng phạm vi chế tài với cả tài sản của người vi phạm. Cụ thể là chia sẻ trách nhiệm chứng minh cho người thuộc diện kê khai. Cán bộ có tài sản phải giải trình một cách hợp lý về nguồn gốc tài sản đó, nếu che giấu hoặc giải trình theo kiểu "đi buôn chổi đót" thì nhà nước hoàn toàn có quyền tịch thu. Hoặc cơ chế thu hồi tài sản không thông qua bản án, cán bộ sai phạm dù có qua đời thì vẫn có thể xử lý về tài sản, chưa cần xác định có tội hình sự hay không. "Nói thật, hiện nay người ta sợ mất tiền hơn là mất chức, bởi có mất chức mà vẫn còn tiền thì vẫn chả sao", ông Minh nói.
Đồng quan điểm, trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, nói bộ luật Hình sự hiện nay chưa có quy định về tội làm giàu bất chính và nhận quà biếu có giá trị lớn. Ở nhiều quốc gia, cán bộ nhận quà biếu giá trị 100 - 200 USD là phải khai báo, thậm chí nộp vào ngân sách. Họ được giáo dục về đạo đức, để nhận thức mình đang làm nhiệm vụ do nhà nước và nhân dân giao phó, không thể dùng chức tước ấy mà tư lợi, hưởng những lợi ích không phải do sức mình tạo ra. Tương tự, với tài sản vượt quá khả năng thu nhập mà cán bộ không luận giải, chứng minh được nguồn gốc, nhà nước hoàn toàn có thể xử lý về tội làm giàu bất chính. Ngoài xử lý hình sự, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tài sản.
Ông Độ khẳng định với bối cảnh như hiện nay, việc quy định bổ sung 2 tội danh nêu trên sẽ là "liều thuốc mạnh", tạo sự răn đe, giúp công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn. (còn tiếp)
Đề xuất cơ sở dữ liệu công khai về TÀI SẢN, THU NHẬP
Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, đề xuất thành lập một cơ quan chuyên biệt để kiểm tra, xác minh về tài sản của cán bộ. Cơ quan này sẽ có đầy đủ lực lượng, nghiệp vụ, và quan trọng hơn là có thẩm quyền điều tra, khởi tố, chứ không chỉ dừng ở mức kiểm tra, kiến nghị. Ông cho rằng phải có sự giám sát từ bên ngoài thay vì "theo một sợi dây lòng thòng mãi không có kết quả", bởi việc kiểm soát, công khai nội bộ như hiện nay rất khó triệt tiêu sự nể nang.
TS Đinh Văn Minh cũng kiến nghị tăng độ công khai của các bản kê khai TSTN. Thay vì chỉ niêm yết tại trụ sở hoặc công bố tại cuộc họp để rồi kiểm tra một cách qua loa, cần xây dựng một trung tâm lưu trữ tất cả các bản kê khai TSTN của cán bộ, công chức. Thông qua trung tâm này, người dân có thể dễ dàng tiếp cận các bản kê khai, từ đó tham gia giám sát, phát hiện các trường hợp kê khai không trung thực. Dĩ nhiên, việc tiếp cận phải được kiểm soát chặt chẽ, bao gồm thông tin cá nhân, mục đích, cam kết của người muốn tiếp cận các bản kê khai.
Bình luận (0)