Tính “an toàn” ở đây phải được cộng hưởng ít nhất ở 2 chiều: kiến thức y tế dự phòng của chính phóng viên (để giữ an toàn) và tuân thủ quy định tại hiện trường nơi tác nghiệp.
Khi Đà Nẵng bước vào những đợt dịch đầu tiên và trở thành tâm dịch hồi năm ngoái, trong trang phục bảo hộ nghiêm ngặt, tôi đã tìm mọi cách tiếp cận ở mức độ an toàn nhất tại điểm nóng có các ca nghi nhiễm, những nơi điều trị bệnh nhân Covid-19… Bùa hộ mệnh của chúng tôi lúc đó là tuân thủ quy định kiểm soát nhiễm khuẩn tại hiện trường, kèm theo 5K và phần còn lại là... may mắn.
Tôi hiểu cảm giác “say” nghề để rồi tự đẩy mình đến sát lằn ranh an toàn nằm ngoài dự liệu. Lần đó, đợt dịch bùng phát năm 2020, tôi đi theo đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đến khu vực cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng. Khi bước ra khỏi thang máy để đến khu vực giới hạn, tôi mới phát hiện số lượng đồ bảo hộ trang bị nằm ngoài sự chuẩn bị của đơn vị. Khi cửa thang máy đóng sập sau lưng và di chuyển đến các tầng khác, tôi nhận ra mình đang trong tình huống tiến thoái lưỡng nan. Tôi quyết định dừng lại và tác nghiệp ở vị trí mà bằng kiến thức và kinh nghiệm tác nghiệp vùng dịch tôi cho là an toàn; đứng yên tại đó, không động chạm, không di chuyển...
Đôi khi chỉ một động tác nhướng người chồm về phía trước chứ chưa hẳn là bước thêm một bước, nhưng với phóng viên, họ đã ở giữa lằn ranh của “người hùng” (với những bức ảnh giá trị) hay “tội đồ” (ở khu tác nghiệp nguy cơ cao). Kinh nghiệm tác nghiệp ở điểm nóng, mỗi cá nhân đều phải tự đúc rút trong hoàn cảnh cụ thể, không ai giống ai, và đặc biệt không có lý thuyết nào chỉ ra được.
Bình luận (0)