96 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2021): Truyền hình giữa đại dịch

Đặng Sinh
Đặng Sinh
21/06/2021 06:00 GMT+7

Đại dịch Covid-19 kéo dài, chính sách giãn cách, cách ly xã hội liên tục được triển khai để chống dịch. Trong bối cảnh khó khăn, truyền hình Báo Thanh Niên đã cho thấy sự năng động, linh hoạt đặc biệt.

Ngày 30.5, chính quyền TP.HCM quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố để chống dịch Covid-19. Cùng lúc đó, ý tưởng thực hiện Bản tin Covid-19 được xây dựng, lên phương án thực hiện thần tốc. Mất khoảng chưa đầy 24 tiếng đồng hồ từ giai đoạn xây dựng quy trình, tổ chức nhân sự, kịch bản, sản xuất nội dung tại hiện trường là chương trình bản tin nóng Covid-19 đầu tiên được phát trực tuyến.

Bản tin Covid-19 ngày 20.6: Chỉ thị 10 cùng chiến dịch vắc xin thần tốc

Đã gần một năm rưỡi qua, mỗi lần dịch bệnh diễn biến phức tạp, ê kíp thực hiện Bản tin Covid-19 lại bắt đầu thực hiện các chương trình thường nhật theo cách như vậy. Ngoài trực tiếp trên báo điện tử Thanh Niên Online, bản tin còn trực tiếp trên 4 nền tảng chia sẻ khác gồm: YouTube, Facebook, TikTok và Lotus.
Khác với truyền hình truyền thống thường có ê kíp khổng lồ, truyền hình Báo Thanh Niên trên nền tảng internet ứng dụng công nghệ 4.0 có đội ngũ tinh giản nhất có thể với mỗi người đảm nhận nhiều vai trò khác nhau. Một biên tập viên hôm qua còn là người xây dựng kịch bản, hôm nay đã trở thành người dẫn chương trình, ngày mai lại làm công việc của một trợ lý biên tập phụ trách quảng bá, tối ưu và thực hiện các công việc hậu kỳ sao cho bản tin đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, một chương trình trực tiếp khoảng 1 tiếng đồng hồ, hay thậm chí một video tin tức hơn 1 phút, trên cùng lúc 5 nền tảng số luôn có những áp lực đặc thù. Áp lực về tốc độ, áp lực về cập nhật, và quan trọng nhất, về tính chính xác.

 Người bạn gần gũi

Trong những ngày giãn cách xã hội, người làm truyền hình kiểu mới của Báo Thanh Niên nỗ lực mang lại cho khán giả những hình thức giải trí mới nhằm có những phút giây thư giãn giữa nỗi lo về dịch bệnh.
Đang phải “phân thân” để xem nhiều sự kiện bóng đá lớn cùng lúc, thông qua các nền tảng của Thanh Niên, người hâm mộ có thể cập nhật tin tức sớm nhất, được theo dõi và thậm chí tham gia vào các cuộc trò chuyện với các chuyên gia bóng đá bằng cách đặt câu hỏi, nêu ý kiến tương tác trực tiếp với chuyên gia Đoàn Minh Xương, cựu tuyển thủ Phan Thanh Bình, Quả bóng vàng nữ VN 2008 Đỗ Thị Ngọc Châm... Khán giả mảng giải trí có thể “đến tận nhà” nghệ sĩ thông qua hình thức gọi video trực tiếp để cùng tham gia những thử thách vui nhộn hay đặt câu hỏi về chuyện nghề, chuyện đời, những khó khăn giữa đại dịch với các ca sĩ trẻ như Dương Hoàng Yến, JSOL, Hoàng Duyên… hay những nghệ sĩ hài như Minh Dự, Võ Tấn Phát, Ngọc Phước, Ngọc Hoa...
Tất cả đều ở nhà trong những ngày giãn cách xã hội chống Covid-19, nhưng lại hiện diện trước mặt khán giả, thông qua sự kết nối của truyền hình Báo Thanh Niên, để cùng xem bóng đá, cùng trò chuyện, giải đáp thắc mắc. Điều đó cho thấy trong bối cảnh khó khăn của toàn xã hội, báo chí thời đại mới vẫn có những cách để không chỉ tạo ra nội dung hay mà còn tạo sự kết nối giữa người và người, không còn là một nhà đài hay tòa soạn xa xôi, mà chính là một người bạn rất gần gũi của công chúng.
Trần Tuấn Anh - Thiên Hương
Từ áp lực về tốc độ và đa nhiệm như thế, mỗi biên tập viên dần trở thành một “chuyên gia” về thông tin dịch bệnh. Họ thuộc nằm lòng tên và đặc điểm từng biến chủng vi rút SARS-CoV-2, nhớ từng mã số bệnh nhân đặc biệt, thuộc được hết những điểm khác nhau về các chỉ thị liên quan đến giãn cách xã hội. Thậm chí, họ có thể nhớ được từng đợt tiêm vắc xin mỗi địa phương được bao nhiêu liều; tỉnh thành này, địa phương kia diễn biến dịch bệnh đang ra sao.
Công nghệ và sự phát triển như vũ bão của các nền tảng số đã góp phần quan trọng hình thành nên các biên tập viên video online đa nền tảng. Các nền tảng mới hình thành và phát triển lên đến con số hàng tỉ người dùng khiến thói quen tiếp cận thông tin của đa số người dùng cũng thay đổi. Cùng với đó, yêu cầu của công chúng với một nhà báo cũng cao hơn trước. Sự đa năng có thể tìm thấy ở nhiều công việc khác (kể cả trong nghề báo), thế nhưng, tích lũy hiểu biết để có thể tương tác trực tiếp với khán giả thông qua video thì đến thời điểm này chỉ có các biên tập viên mảng video online thực hiện. Người dẫn chương trình các bản tin trong các video trực tiếp của Báo Thanh Niên không chỉ là người làm báo mà có lúc lại trở thành người cháu, người em, người bạn khi trò chuyện trực tiếp với công chúng như thể đang đối diện với nhau.
Cũng có thể nói công nghệ rút ngắn khoảng cách giữa mọi người với nhau, giữa người làm báo với công chúng. Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên phát trực tiếp vào 20 giờ mỗi buổi tối trong những ngày đại dịch không chỉ là một giải pháp báo chí ứng dụng công nghệ; mà phía sau đó còn là nỗ lực của nhà báo để được đến gần hơn với công chúng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.