Cũng từ những loạt bài này, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng nhập cuộc điều tra, xác minh xử lý.
Có những đối tượng phá rừng đã bị khởi tố, cũng có không ít những đơn vị chủ rừng bị kỷ luật. Tuy nhiên có những vụ phá rừng quy mô nhỏ lẻ hơn, nhưng lại ít được cơ quan chức năng để ý tới, đó là nạn phá rừng làm nương rẫy. Trong một chuyến công tác tại H.Kon Plông (Kon Tum), chúng tôi tận mắt thấy những vạt rừng bị đốt trụi. Nhìn những thân cây cháy đen chọc thẳng lên trời, ít ai nghĩ rằng chỉ vài ngày trước nơi đây là một cánh rừng xanh tốt. Rừng bị cạo trọc đến đâu, người dân gieo trồng đến đấy. Khi những loại cây nông sản đội đất mọc lên cũng là lúc cánh rừng nguyên sinh bị xóa sổ.
Điều đáng nói, việc người dân phá rừng làm nương rẫy rất khó phát hiện vì họ phá rừng từng chút một, rỉ rả trong thời gian dài. Khi cơ quan chức năng phát hiện, việc cũng đã rồi. Nhiều vụ phá rừng xảy ra do sự tắc trách, buông lỏng quản lý của đơn vị chủ rừng.
Cũng có không ít vụ phá rừng có bóng dáng của nhân viên thi hành công vụ. Bởi nếu họ không “ngó lơ”, không tiếp tay cho lâm tặc thì gỗ lậu làm sao ra khỏi rừng? Phải mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, những cánh rừng bị chặt phá ở Tây nguyên mới có thể hồi phục.
Trong khi đó, hậu quả của những trận mưa lũ do thiếu rừng phòng hộ, hạn hán kéo dài do thiếu mảng xanh giữ nước ngầm, khí hậu thay đổi theo chiều hướng tiêu cực là việc mà người dân phải gánh chịu tức thì.
Thế nên, những cơ quan hữu trách và người dân cần ý thức được việc bảo vệ rừng như bảo vệ cuộc sống của chính mình và gia đình, trước khi những cơn thịnh nộ từ thiên nhiên xuất hiện.
Bình luận (0)