Quảng cáo là chuyện bình thường, chẳng có gì để bàn khi những đoạn quảng cáo mang tính nhân văn hay giới thiệu sản phẩm thông thường; đằng này là quảng cáo khám, chữa bệnh được “thần kỳ” hóa, mà ở đó có dấu hiệu của sự gian dối.
Nghệ sĩ A. nổi tiếng nói nhan nhản một phương pháp chữa ung thư ở đâu đâu đó như thể là bác sĩ chuyên môn, dù nghệ sĩ chẳng biết gì về y học. Nghệ sĩ B. giới thiệu sản phẩm thực phẩm chức năng tráng dương, cường lực... như thật. Rồi rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, người có ảnh hưởng (kol), hot girl, hot boy suốt ngày ra rả thuốc này trị trĩ, thuốc kia trị tiểu đường, thuốc nọ trị yếu sinh lý, đau bụng, viêm xoang... Điều nguy hiểm là những người này thổi phồng, nói dối về công hiệu của những sản phẩm được quảng cáo như thể đó là... “thuốc tiên”.
Luật khám, bệnh chữa bệnh quy định, muốn quảng cáo sản phẩm liên quan sức khỏe, phải xin phép và được ngành y tế duyệt nội dung quảng cáo. Như vậy, một phương pháp chữa bệnh, một sản phẩm thuốc, thực phẩm sức khỏe đều phải qua thẩm định, duyệt. Và nơi đăng tải quảng cáo phải cầm trong tay bản duyệt nội dung quảng cáo được cơ quan thẩm quyền cấp thì mới thực hiện việc đăng tải thông tin; nếu không nơi đăng tải, đơn vị có sản phẩm được quảng cáo sẽ bị phạt. Thế nhưng thực tế, khá ít trường hợp quảng cáo về sản phẩm sức khỏe trên YouTube, Facebook bị xử lý.
Những nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng cần cân nhắc khi giới thiệu các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, đặc biệt sản phẩm được cho có khả năng chữa bệnh trên mạng xã hội. Nếu những người này đơn thuần dùng hình ảnh và sự ảnh hưởng của mình để kiếm tiền mà bất chấp quy định của luật pháp về quảng cáo các sản phẩm sức khỏe, khám, chữa bệnh, nói không đúng sự thật trên YouTube, Facebook… là tiếp tay cho sự gian dối, lừa gạt bệnh nhân.
Bình luận (0)