Đáng chú ý, mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về đầu tư “tiền ảo” (hay còn gọi là tiền điện tử, tiền kỹ thuật số: như Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH)...), nhưng danh sách nạn nhân ngày càng dài thêm. Thủ đoạn lừa đảo cũng không mới, vẫn là trò biến tướng của kinh doanh đa cấp, như dụ các bị hại xây dựng mạng lưới để được nhận hoa hồng, hoặc dụ nộp tiền để được trả lãi khủng.
Các chiêu trò lừa đảo này núp bóng các tên gọi mỹ miều như đầu tư tài chính, đầu tư thời 4.0, nắm bắt cơ hội làm chủ công nghệ... nhưng bản chất vẫn đánh vào tâm lý muốn giàu nhanh, đổi đời trong thời gian ngắn của một số người. Trong khi đó, tiền ảo vẫn chưa được pháp luật Việt Nam công nhận, chưa được xem là tài sản, giao dịch không được bảo vệ, đây là những rủi ro pháp lý rất lớn.
Nếu ước mơ không được đầu tư để có kiến thức và lộ trình thực hiện nghiêm túc, mà chỉ có sự tin tưởng vào điều không có thật như chính tên gọi của khoản đầu tư “tiền ảo”, thì giấc mơ đó chẳng thể nào có để được chắp cánh. Hậu quả nhãn tiền là nạn nhân đã dốc vào một cuộc chơi lớn mà họ chưa nắm rõ luật chơi, chẳng khác nào canh bạc với kết quả nhà cái luôn nắm phần thắng.
Lời dạy dân gian “đồng tiền đi liền khúc ruột” thật đúng trong trường hợp này. Kiến thức phải tương xứng với số tiền đầu tư, nếu không muốn mất tiền mới có bài học xương máu. Đừng tham lam để dẫn đến mù quáng. Hãy biết quý đồng tiền của chính mình!
Bình luận (0)