Không lẽ 'bó tay'?

02/02/2021 05:45 GMT+7

Khi được giao đất, giao rừng để thực hiện dự án đầu tư thì doanh nghiệp (DN) nào cũng vui vẻ nhận.

Thế nhưng khi nhận được rồi lại không giữ, để rừng bị mất và bị cơ quan chức năng yêu cầu bồi thường thì rất nhiều DN chây ì, không chịu nộp.  Câu chuyện này xảy ra tại Lâm Đồng trong suốt nhiều năm qua và dường như cơ quan chức năng cũng đang “bó tay”.
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, trên địa bàn có 116 dự án đầu tư để mất rừng với diện tích yêu cầu phải bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng là 1.900 ha, tổng số tiền yêu cầu bồi thường 311 tỉ đồng.
Tuy nhiên mới có số ít DN chấp hành, đã nộp chỉ khoảng 40 tỉ đồng. Vì sao số tiền bồi thường này DN chây ì không chịu nộp? Một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng chia sẻ trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan quy định không rõ ràng việc xử lý hoặc buộc chủ rừng phải bồi thường tài nguyên rừng. Hơn nữa, mức tiền phải nộp quá cao so với khả năng của DN nên DN nợ lại. Đồng thời, quy định về thu tiền bồi thường còn nhiều bất cập.
Hiện có quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục để thu, nhưng không có chế tài cưỡng chế, xử lý các DN không nộp tiền. Hợp đồng thuê rừng trước đây thực hiện theo quy định của Bộ NN-PTNT (Thông tư 38/2007/TT-BNNPTNT) chưa chặt chẽ. Khó khăn nhất là nhiều DN đã bị thu hồi toàn bộ hoặc một phần dự án nên việc đôn đốc nộp tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng là khó khả thi; một số DN khác là do khó khăn, chây ì không chấp hành mặc dù được cơ quan chức năng liên tục đôn đốc.
Tháng 10.2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã gửi văn bản đến các bộ liên quan đề nghị hướng dẫn tính toán, thu nộp tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại tại các dự án, nhưng đến nay chưa có hướng dẫn.
Cần có giải pháp để thu hồi giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại, chứ chỉ vận động, đôn đốc thôi thì không “ép phê”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.