Nước Nga có chênh lệch giàu - nghèo lớn hơn bất cứ cường quốc nào trên thế giới. Bộ ảnh Chủ và tớ của nhiếp ảnh gia Lilia Li-Mi-Yan phần nào thể hiện vấn đề này.
Theo Business Insider, bộ ảnh Chủ và tớ gồm một loạt hình gây tranh cãi, được chụp trong nhà của những người Nga cực giàu, lột tả khoảng cách kinh tế khá lớn ở xứ sở bạch dương.
Năm 2014, báo cáo Global Wealth Report của ngân hàng Credit Suisse cho hay 10% người giàu nhất Nga kiểm soát 85% tài sản đất nước. Báo cáo cũng chỉ ra 111 tỉ phú Nga kiểm soát 19% tổng tài sản hộ gia đình.
Cách biệt giàu - nghèo là cảm hứng cho bộ ảnh được thực hiện ở thủ đô Moscow của cô Lilia Li-Mi-Yan. Trong các tấm ảnh, những người thuộc tầng lớp thượng lưu chụp xuất hiện cùng người giúp việc được thuê trong căn nhà của họ.
“Với những người có điều kiện thì thuê mướn người giúp việc là chuyện phổ biến”, Li-Mi-Yan nói. Cô cho biết thêm ngoài chụp ảnh, cô còn quan tâm khám phá câu chuyện và mối quan hệ giữa các nhân vật.
Theo Li-Mi-Yan, việc tìm kiếm những gương mặt giàu có, đang thuê người làm thì không khó: “Đây hầu hết là những người mà tôi đã quen. Đa số họ đồng ý góp mặt trong dự án của tôi với sự nhiệt tình”. Trước mỗi buổi chụp, cô gặp gỡ các nhân vật để thảo luận và giải thích về dự án.
“Tôi có những cuộc trò chuyện dài với các nhân vật của mình, trong căn nhà của họ. Tôi hỏi về vai trò của người lao động và người sử dụng lao động, cảm giác của họ về vị thế hiện tại và tình hình mối quan hệ giữa họ”, Li-Mi-Yan nói.
Những cuộc trò chuyện giúp Li-Mi-Yan quyết định sẽ chụp bức hình ra sao. Chỗ đứng của các nhân vật trong bức ảnh nói thay cho quan hệ của họ.
Giới tính góp phần quan trọng trong việc định hình nhiệm vụ của người phụ việc. Phụ nữ thì thường làm việc trông trẻ, dạy trẻ hay nội trợ. Trong khi đó, nam giới thường là tài xế, người làm vườn hoặc nhân viên bảo vệ.
“Ở Nga, gia sư hay tài xế, giữ trẻ thường được xem là công việc thuộc tầng lớp thấp”, Li-Mi-Yan chia sẻ, nói thêm rằng một số người phụ việc từ chối được chụp ảnh để tránh cái mác “quản gia”.
Phần lớn những người làm công việc này tiết kiệm tiền với hy vọng sẽ có tương lai tốt hơn. “Hầu hết trong số họ có trình độ trên phổ thông… Họ xem công việc hiện tại là tạm thời, hy vọng sẽ có cái nghề tốt hơn, thú vị hơn và được tôn trọng hơn trong tương lai”, nhiếp ảnh gia cho hay.
“Hầu hết những người chủ nghĩ rằng họ đối xử với người giúp việc với thái độ tôn trọng và sự chăm sóc. Tuy nhiên, đa số “đầy tớ”, bất kể thực tế quan hệ của họ với chủ như thế nào, đều có mong muốn tiết kiệm được ít tiền và tìm việc khác”.
Li-Mi-Yan nói thêm: “Tôi chỉ gặp một phụ nữ luống tuổi chọn công việc này vì muốn thế, không phải vì hoàn cảnh”.
Nhiếp ảnh gia cho hay cô hiểu tính chất nhạy cảm của tác phẩm và sẵn sàng nhận những lời thảo luận về nó. Cô kể khi một số tấm ảnh đầu tiên được công bố, vài người tham gia vào dự án yêu cầu cô bỏ chúng.
“Tôi chỉ hiểu tất cả những tranh cãi và mức độ hiệu quả của dự án khi đăng nó lên mạng. Tôi thấy vui với số lượng và sự đa chiều trong phản ứng về bộ ảnh”, Li-Mi-Yan nói.
Bình luận (0)