Trong bối cảnh chính phủ Hà Làn vừa tan rã và số phận của chính phủ Pháp cũng sẽ sớm được định đoạt, nội các Romania đã không qua khỏi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại nghị viện.
Mặc dù mỗi quốc gia có một đặc thù riêng, nhưng phương diện chính trị nội bộ của ba nước trên đều bị tác động bởi chính sách thắt lưng buộc bụng do EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) áp đặt.
Romania là thành viên EU nhưng chưa tham gia vào khu vực sử dụng đồng euro. Năm 2009, Romania thoát được vỡ nợ nhờ vào khoản hỗ trợ trị giá 20 tỉ euro từ EU và IMF. Đổi lại, nước này phải chấp nhận thực thi chính sách tiết kiệm chi tiêu ngặt nghèo. Đây là một trong những lý do chính yếu khiến chính phủ Romania vừa sụp đổ.
Vốn dĩ, chính phủ này mới được thành lập chưa đầy 3 tháng trước dựa vào sự liên minh của nhiều đảng nhưng lại có người đứng đầu chẳng thuộc đảng phái nào. Giờ đây, thủ lĩnh phe đối lập Victor Ponta được Tổng thống Traian Basescu đề cử làm tân thủ tướng để thành lập chính phủ mới.
Thật ra, việc phế rồi lập thủ tướng đều là những nước đi trong ván cờ quyền lực của ông Basescu. Suốt 7 năm làm tổng thống vừa qua, ông Basescu tập trung quyền lực đáng kể, lấn át không giấu giếm thực quyền của chính phủ. Ông sẽ còn tại vị tổng thống đến năm 2014. Chủ định của ông Basescu là tiếp tục duy trì quyền lực sau cuộc bầu cử tổng thống tới. Vì thế, việc Tổng thống Basescu phế nội các cũ, lập chính phủ mới chỉ nhằm xoa dịu dư bất lợi cho ông. Đó là chiêu bỏ bát giữ mâm của Tổng thống Basescu, có lợi cho ông nhưng chính trường xáo trộn.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)