Bò cuốn lá lốt, mỡ chài, satế và chả đùm của Au Pagolac |
Những món ngon từ bò như bò cuốn lá lốt, cuốn mỡ chài, chả đùm hay bò nhúng dấm từ lâu đã trở nên quen thuộc với người Sài Gòn. Thậm chí để nhắc về bò lá lốt, mỡ chài, người ta liên tưởng ngay đến cung đường Tôn Đức Thắng khúc gần với Nguyễn Hữu Cảnh, với những vỉ nướng lúc nào cũng nghi ngút khói.
Câu chuyện của bảy món bò bắt đầu từ những năm 30 thế kỷ trước. Khi đó ông Adams Henri, một Pháp Kiều gốc Ấn có tên Việt là Nguyễn Thành Đam cùng vợ là bà Huỳnh Thị Quế đã cho khai trương tại chợ Tân Hiệp (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang ngày nay) một quán ăn nhỏ với các món ăn được chế biến từ thịt bò.
Tất cả bảy món ăn đều do chính ông và vợ mày mò chế tác. Bà Quế, một nông dân Nam bộ, đã chế biến các món bò theo kiểu dân dã thời khẩn hoang như bò cuốn lá lốt, mỡ chài... ăn cùng với rau sống, bánh tráng và mắm nêm. Còn ông Henri thì có một bí quyết mang theo từ quê nhà, là chế biến món thịt bằm đùm trong lá rồi hấp chín - thành món "chả đùm" là món thứ 5 trong 7 món.
Nhưng tại sao không phải 6 hay 8 mà nhất định phải là 7 món? Vì ban đầu ông Henri có ý định cho quán mình mỗi ngày bán một món khác nhau nhằm thay đổi khẩu vị cho hấp dẫn, hết một tuần cộng lại là 7 món. Nhưng về sau thực khách bị hấp dẫn, không chờ được chu kỳ một tuần lễ kia nên chủ nhân buộc lòng phải bán cùng lúc cả 7 món.
Các món bò 7 món ăn cuốn bánh tráng với rau sống, mắm nêm của thời khẩn hoang đồng bằng châu thổ sông Cửu Long |
Cũng có giai thoại ghi lại rằng, vào năm 1930, gánh cải lương của Năm Châu - Phùng Há về Tân Hiệp hát đình. Những đêm vãn hát, không có gì ăn khuya, nghệ sĩ Phùng Há gợi ý cho đôi vợ chồng Ấn - Việt nấu cháo thịt bò bán để anh chị em nghệ sĩ trong đoàn có món bồi bổ. Từ gợi ý đó, ông Henri sáng chế ra "bò 7 món" dựa theo tuần lao động 7 ngày.
Quán chính thức khai trương vào ngày 20/04/1930 với tên gọi rất Tây là "Au Pagolac". Nguồn gốc cũng thật đơn giản: "Pagoda" trong tiếng Pháp có một nghĩa là ngôi chùa, còn "Lac" có nghĩa là hồ nước. Quán bò 7 món đầu tiên ở Tân Hiệp nằm cạnh một ngôi chùa và một cái hồ nên mang tên này.
Rồi họ rời Tân Hiệp lên Sài Gòn lập nghiệp. Khởi đầu là ở xóm Thơm Gò Vấp vào năm 1949, rồi dời lên đường Nguyễn Trãi trong Chợ Lớn (quận 05) vào năm 1952. Quyết định chọn Chợ Lớn chứ không phải quận 01, quận 05 thời thượng là do quan niệm kinh doanh của ông Henri thời đó: "Công tư chức và công nhân lương ba cọc ba đồng, có biến cố gì là không lương. Còn Chợ Lớn nhiều giới thương buôn, lúc nào họ cũng có tiền để ăn bò".
Theo chính sách hồi hương ngoại kiều sau ngày giải phóng, thương hiệu Bò 7 món Au Pagolac đã theo chân người xa xứ sang tận Quận 4 – Paris, rồi mở qua tới Westmingter - Hoa Kỳ, được quản lý bởi ông Francois Adams, con trai út và cũng là người thừa kế thương hiệu này. Rồi năm 1990, những món ngon một thời này đã chính thức quay lại Sài Gòn. Chi nhánh chính hiện nay nằm trên đường Trần Hưng Đạo, khúc gần với khách sạn Đồng Khánh.
Ăn bò 7 món phải theo đúng trình tự mới thấy hết cái ngon của món này. Khai vị là món bò nhúng dấm. Nồi dấm nhỏ được dọn ra, bên trong đã có sẵn một quả trứng gà. Gọi là "bò nhúng dấm" chứ thực ra món này còn có thêm lá xách (lòng bò) nữa. Cuốn bò nhúng với bánh tráng, rau sống cùng chút sả bằm rồi chấm với nước mắm hay mắm nêm mới đầy đủ. Nhớ đừng quên hòa tan lòng đỏ trứng gà để nước nhúng thêm đậm đà.
Rồi đến "bộ tứ" bò lá lốt, bò mỡ chài, bò sa tế và chả đùm. Ba món đầu cuốn với bánh tráng, rau sống ăn kẹp với bánh hỏi. Miếng lá lốt quấn chặt vào phần thịt bò chứ không rời rạc như thường thấy, ăn vào là cảm nhận ngay độ dai cũng như vị ngọt lừng danh qua bao năm tháng. Còn với món số 5 là chả đùm, cách ăn đơn giản nhất là xúc với bánh tráng mỏng. Món này được rất nhiều quán nhậu ưu chuộng, thậm chí "di cư" hẳn ra các quán bò tơ ở Củ Chi.
Hai món còn lại là bò bít tết và cháo bò. Gọi là bít tết chứ thật ra miếng thịt bò được thái mỏng và tẩm ướp khá vừa miệng. Còn cháo bò là món kết thúc với thịt bò được băm nhuyễn, nấu chung với cháo tỏa mùi thơm nhẹ của rau củ và tiêu. Vị ngọt của cháo cũng là "cái kết" thật đẹp cho bữa ăn đầy xúc cảm.
Có ai đó đã nói rằng: hình như chất cởi mở của người Sài Gòn làm cho mọi người từ khắp nơi tự đến với Sài Gòn. Người thành công đã đành mà ngay cả những người thất bại cũng tìm đến đây để làm lại. Có lẽ vì vậy mà Sài Gòn, qua bao đời, luôn là nơi tụ hội của tinh hoa ẩm thực từ muôn phương. Đa sắc - cũng có thể xem là bản sắc của ẩm thực Sài Gòn.
P.V
Bò 7 món - Au Pagolac
978 Trần Hưng Đạo, phường 07, quận 05
CN Vũng Tàu: 247 Trương Công Định, phường 07, Vũng Tàu
Mở cửa: 10 sáng đến 10h30 tối
Giá: Bò 7 món (252.000đ/phần 2 người ăn)
Bình luận (0)