Bờ biển Bà Rịa – Vũng Tàu bị xói lở nghiêm trọng

16/01/2014 08:00 GMT+7

Do biến đổi khí hậu và việc khai thác cát quá mức đã làm cho bờ biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bị xói lở nghiêm trọng trong những năm qua.

 Bờ biển Bà Rịa – Vũng Tàu bị xói lở nghiêm trọng
Bờ biển ở H.Xuyên Mộc bị xói lở trầm trọng - Ảnh: Nguyễn Long

Theo Viện Kỹ thuật biển (Bộ NN-PTNT), bãi biển từ mũi Nghinh Phong (TP.Vũng Tàu) đến xã Bình Châu (H.Xuyên Mộc) có khoảng 90% là bờ cát, còn lại chỉ khoảng 10% là các bờ đá, mõm đá, rừng nguyên sinh rất thích hợp cho du lịch tắm biển và nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, nhiều đoạn bờ biển thường xuyên bị xói lở và một số bãi biển còn phát sinh dòng Rip (một loại dòng chảy rút rất mạnh từ bờ ra biển) làm thiệt hại rất lớn cho các hoạt động du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế xã hội cũng như đời sống của dân cư ven biển.

Sở KH-CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã nghiên cứu và xác định được 6 đoạn bờ biển thường xuyên bị xói lở và cửa sông bị bồi lấp do tác động của tự nhiên và tình trạng bơm hút cát, gồm: Đoạn từ Mũi Nghinh Phong đến P.12, Cửa Lấp - Phước Tỉnh, bờ biển Lộc An, bờ biển Hồ Cốc - Hồ Tràm, mũi Ba Kiềm, Bến Lội – Bình Châu. Theo khảo sát của Viện Kỹ thuật biển, đoạn từ mũi Nghinh Phong đến P.12, TP.Vũng Tàu, có những đồi cát cao, dài là những bức tường chắn sóng hiệu quả nhưng theo thời gian đã bị khai thác cát hết nên nơi đây bị sạt lở nghiêm trọng. Hàng năm, có nơi bị nước biển xâm thực khoảng 200m. Đoạn Cửa Lấp - Phước Tỉnh (H.Long Điền), do việc khai thác cát ở P.12, TP.Vũng Tàu đã làm mất cân bằng bùn, cát, tạo ra những hố sâu nên khi thủy triều xuống làm dòng chảy mang cát từ trong bờ ra để bù lấp vào các hố này khiến bờ bị xói lở nhanh…

Để đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong thời gian sắp tới, Viện Kỹ thuật biển đề nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ bờ biển theo 3 giai đoạn (2014 – 2016, 2016 – 2020 và sau 2020). Theo đó, giai đoạn 1 từ năm 2014 – 2016 là giai đoạn cấp bách nhằm ứng phó với xói lở. Giai đoạn này tập trung xây dựng công trình bảo vệ tại 3 khu vực trọng điểm, gồm: Trại Nhái (P.12, TP.Vũng Tàu), Lộc An (H.Đất Đỏ) và Hồ Tràm (H.Xuyên Mộc). Nhiều năm gần đây, dân cư khu vực Trại Nhái liên tục phải di dời chỗ ở để tránh xói mòn. Đã có không ít căn nhà của người dân bị nước biển cuốn trôi chỉ trong một đêm. Theo Viện Kỹ thuật biển, đây là khu vực cần phải được đầu cư cấp bách xây dựng công trình bảo vệ đất và người dân. Còn khu vực Hồ Tràm, với chiều dài xói lở từ 1,5 – 2km, đây là địa điểm có nhiều khu du lịch nên việc xói lở bờ biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề kinh doanh của các công ty du lịch. Chính vì vậy, việc chú trọng đầu tư là rất cần thiết để bảo vệ bờ biển cùng với sự phát triển du lịch của địa phương. Viện Kỹ thuật biển cũng đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nghiêm cấm triệt để việc khai thác cát tại doi cát Lộc An (H.Đất Đỏ). Đây là doi cát có tác dụng chắn sóng rất tốt nhưng việc khai thác cát đã làm nước biển xâm thực đất liền ở bờ biển Lộc An rất nghiêm trọng…

Theo Viện Kỹ thuật biển, một số công trình bảo vệ bờ đã được xây dựng hiện nay tại Bà Rịa – Vũng Tàu tuy bảo vệ được bờ biển nhưng cảnh quan môi trường không còn giữ được tính tự nhiên. Thậm chí một số bãi tắm còn bị thu hẹp, lòi lõm, làm giảm giá trị các khu du lịch... Ngoài ra, nhiều công trình vừa đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn đã bị xuống cấp, hư hỏng.

Trước tình trạng xói lở bờ biển hiện nay, việc chống xói lở, phục hồi các mõm đá, đồi cát, bãi cát tạo cảnh quan, môi trường tự nhiên là việc làm mà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần khẩn trương thực hiện.

Nguyễn Long

>> Hỗ trợ 17 hộ bị ảnh hưởng do sạt lở ở khu vực thủy điện Đồng Nai 2
>> Tỉnh lộ bị sạt lở
>> Sạt lở núi, 4 người bị chôn vùi
>> Vùng núi ở Quảng Nam bị sạt lở, chia cắt nghiêm trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.