Bỏ cấp phép ca khúc miền Nam trước 1975, nới quy định thi hoa hậu

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
18/12/2020 06:13 GMT+7

Nghị định 144 về Nghệ thuật biểu diễn vừa được phê duyệt đã bỏ việc cấp phép phổ biến bài hát sáng tác ở miền Nam trước 1975 . Quy định về việc thi hoa hậu, người mẫu ở nước ngoài cũng được nới lỏng.

 

Không phân biệt tác phẩm

Sau nhiều bàn luận, lấy ý kiến, Nghị định 144/2020 của Chính phủ quy định về Nghệ thuật biểu diễn đã được phê duyệt ngày 14.12. Trong đó, so với Nghị định 79/2012 cũng về nghệ thuật biểu diễn, đã không còn việc cấp phép phổ biến bài hát miền Nam trước 1975. “Không còn quy định về việc cấp phép biểu diễn tác phẩm nữa”, ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VH-TT-DL, nói.
Trước đó, theo Nghị định 79, tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía nam hoặc tác phẩm của người VN đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn. Sau đó, tác phẩm sẽ được xem xét có cấp phép hay không. Việc cấp phép trước đây cũng khá nhỏ giọt chứ không cấp cho toàn bộ sáng tác của một tác giả nào đó. Chẳng hạn, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã phải xin cấp phép phổ biến bài hát của ông nhiều lần, mỗi lần một hoặc vài bài.
Tuy nhiên, theo ông Dương, quản lý nhà nước sẽ hậu kiểm việc phổ biến các bài hát. “Mọi tổ chức cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc và sân khấu không vi phạm vào điều 3 của Nghị định 144 và phải thực thi đúng quyền tác giả và quyền liên quan”, ông Dương cho biết. Hiện tại, điều 3 này quy định về các điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Theo đó, việc biểu diễn không được chống nhà nước CHXHCN VN, không xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước CHXHCN VN, không xâm phạm an ninh quốc gia, không kích động bạo lực, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại…
Trước đó, có những vụ việc rất đáng tiếc liên quan đến việc không cho phổ biến ca khúc miền Nam trước 1975. Chẳng hạn, Ly rượu mừng, một bài hát rất phổ biến ở miền Nam đã bị cấm hát trong suốt 40 năm. Theo tư liệu chương trình Giai điệu tự hào tháng 1.2017, vì bài hát có từ “đời lính”, “binh sĩ” mà đã không được hát trong suốt thời gian dài. Sau này, Phương Nam phim cùng gia đình tác giả đã phải tìm tư liệu cũ liên quan. Họ chứng minh được bài hát do ông Phạm Đình Chương sáng tác về những người lính chống Pháp trong giai đoạn 1951 - 1953. Trên cơ sở đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp phép phổ biến bài hát đầu năm 2016.
Việc bỏ cấp phép phổ biến cho các ca khúc miền Nam trước 1975 đã chấm dứt việc tranh cãi xem nên đưa ra danh sách các bài hát bị cấm phổ biến hay tiếp tục cấp phép từng bài từng bài như trước.

Ban hợp ca Thăng Long, thành lập tại Sài Gòn, đã trình diễn Ly rượu mừng từ năm 1952

Ảnh: Tư liệu

Nới thi hoa hậu, lo ngại vi phạm bản quyền

Việc thi hoa hậu cũng được nới lỏng. Theo quy định cũ, phải vào top 3 cuộc thi hoa hậu trong nước mới được xét cấp phép dự thi quốc tế. Mặc dù vậy, tại Nghị định 144, yêu cầu về giải thưởng trong nước đã không còn. Hồ sơ xin cấp phép chỉ còn yêu cầu lý lịch tư pháp và thư mời chấp nhận thí sinh từ cuộc thi quốc tế gửi về.

Hát nhép sẽ không bị phạt

Việc cấm hát nhép cũng không còn được quy định trong Nghị định 144. Trong khi đó, trước đây việc hát nhép thậm chí có thể bị phạt tới 10 triệu đồng. Về điều này, ông Nguyễn Quang Vinh, nguyên quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho rằng quy định này do yêu cầu của từng chương trình nghệ thuật rất khác nhau. Có chương trình do yêu cầu an toàn chất lượng nên sử dụng hát nhép.
Việc bỏ cấm này đã được một số nghệ sĩ ủng hộ. Nhạc sĩ Quốc Bảo cho rằng: “Về kỹ nghệ biểu diễn thì hát nhép (lip-sync) vẫn được cho là được quyền (để dùng được những hiệu ứng điện tử mà nếu hát thật không làm được), bỏ cấm là phù hợp. Với từng loại nhạc, có thể dùng lip-sync (như Madonna hát thật chồng lên nền thu trước). Còn ca sĩ thì vẫn cần hát hay, hát giỏi và hát live tốt”. Ca sĩ Đức Tuấn nói: “Tôi chưa bao giờ phản đối việc hát nhép, vì đó chỉ là một cách thức biểu diễn trên sân khấu, nếu nó mang lại hiệu quả tốt thì không có lý do gì phải lên án hay cấm đoán. Rõ ràng, trong một số trường hợp - điều kiện biểu diễn nhất định, hát nhép mang đến hiệu quả cao cho toàn bộ tiết mục hơn hát live. Ví dụ những chương trình có sân khấu rộng, hoành tráng và cần độ chính xác về nhiều thứ, trong khi ca sĩ phải di chuyển quãng đường quá dài hay thực hiện yêu cầu quá khó về mặt dàn dựng thì việc hát nhép vẫn tối ưu. Ngay cả Celine Dion hay Britney Spears, trong các live show của họ, cũng nhép và khán giả vẫn cổ vũ cuồng nhiệt. Với ca sĩ, có người hát phòng thu hay hơn, có người hát live hay hơn, nên việc sử dụng âm thanh - tiếng hát phòng thu khi biểu diễn (trong điều kiện nhất định như trên) là quyền của ca sĩ nếu người xem chấp nhận”.
Nguyên Vân
“Chúng tôi yêu cầu lý lịch tư pháp để thấy người đó không phải tội phạm gì. Nếu ai đáp ứng được tiêu chí thì cho đi thi thôi”, ông Trần Hướng Dương nói. Quy định này cũng sẽ giảm việc thí sinh thi chui sau đó về chịu phạt vì không thuộc top 3 cuộc thi trong nước.
Một vấn đề đã tồn tại vẫn tiếp tục tồn tại trong nghị định mới là việc cấp phép biểu diễn mà không cần có văn bản thỏa thuận về tác quyền âm nhạc. Trước đây, Nghị định 15/2016 về nghệ thuật biểu diễn quy định trong hồ sơ cấp phép biểu diễn đơn vị tổ chức phải gửi văn bản thỏa thuận với người đang nắm quyền sở hữu bài hát. Tuy nhiên, Nghị định 142/2018 đã bãi bỏ thủ tục này. Điều này đã dẫn đến việc trốn tránh trả tác quyền, cũng như việc nhạc sĩ không đồng ý cho hát mà đơn vị cấp phép vẫn cấp phép cho ca sĩ hát. Về nguy cơ nhạc sĩ không cho hát, cơ quan quản lý vẫn cấp phép, ông Hướng Dương nói: “Sở vi phạm (khi cấp phép - PV) thì tác giả có quyền kiện Sở”.
Nghị định 144 sẽ có hiệu lực thi hành từ 1.2.2021. Kể từ ngày nghị định này có hiệu lực, Nghị định 79 cũng như Nghị định 15, điều 6 Nghị định 142, khoản 1 điều 6 Nghị định 54/2019 hết hiệu lực thi hành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.