Tuy không biết viết luận án tiến sĩ, song ông bà ta thật tinh tế khi dặn dò: “Thịt gà, cơm nếp, đàn bà. Cả ba thứ ấy đều là dùng tay” (tục ngữ Việt Nam). Phải xé vụn thì lượng mỡ dưới da của gà hoặc chim trời mới tươm ra, “tắm” đều lên các sớ thịt. Phải vò nhừ cơm nếp hay xôi thì ăn vào mới dễ tiêu được.
>> Ngon lạ như thỏ nướng
>> Tương tư... cá ngừ đại dương
|
Khi kinh tế khởi sắc, giới thượng lưu Sài Gòn thường rủ nhau đi ăn xôi le le, giá không dưới 1 triệu/món, vừa lạ miệng vừa thể hiện đẳng cấp (vật chất cùng bản lĩnh đàn ông). Họ quên rằng, giống sâm cầm này chỉ mập theo mùa, khoảng tháng mười đến tháng chạp âm lịch. Có vậy, thì xưa vua chúa mới màng đến.
Ngược lại, nếu phần ức chim không nở căng thì xem như “xôi hỏng bỏng không”. Các bà vợ son đừng mong “bóc lột” chồng về khoản “bồng lai” - phòng the.
Với lại, ăn riết (miết) đến nỗi chim trời vắng hoe! Thêm nhịp sóng tài chính vẫn trầm lắng, khiến nhiều “thượng đế” bỗng dưng... nghèo tả tơi. Ngặt nỗi, mỗi bếp của hàng quán chốn Hòn Ngọc Viễn Đông không thể một ngày yếu lửa. Vậy là, những đôi “uyên ương” bồ câu, phải gánh luôn “sứ mạng” cao cả của loài chim “tiến” vừa kể. Tuy giá chúng mềm hơn 1/5, song khả năng bổ dưỡng lẫn giúp giữ vững “phong độ” gối chăn không hề kém cạnh, theo đông y và y thực Việt.
“Kẹo” môi
Nhờ có người cháu trai làm bếp trưởng, tại một nhà hàng lớn gần ngã tư Hàng Xanh, dạy cách làm và sẵn khiếu nấu ăn ngon, nên bà Mỹ chế biến món này rất đạt.
Phần “áo” xôi vàng ươm, thơm phức. Bẻ ra, vừa thổi vừa nhai, nghe giòn rào rạo. Chợt nhớ “bóng dáng” miếng cơm cháy nếp sáp ( nếp OM 84) của mẹ cho xưa, rưới chút mỡ heo cỏ, lấp lánh lá hành hương xắt nhuyễn xanh mát. Chu cha! Nó dẻo quẹo, béo ngọt mê say!
Vén nhẹ “xiêm y” xôi ra, mùi thơm thanh không ngớt lan tỏa. “Thân” xôi trắng mịn, lấm tấm những sớ thịt nạt chim câu màu nâu nhạt được xé nhuyễn. Hương thơm đặc trưng của loại nếp ngon quyện vào chất nồng dịu của nước cốt tiêu xanh, âm thầm “vây hãm” khứu giác người ăn.
Buộc họ không kiềm nén nổi một tiếng đánh ực, để vòm họng thêm trơn tru - sẵn sàng chuyển tải thực phẩm.
Dù vội cách mấy cũng phải bốc xôi, dày... vò thành viên cỡ ngón chân cái. Đến khi xôi hơi nhão ra, dính chặt lại. Chuẩn của xôi ngon là, càng vò càng dẻo mịn nhưng không hề dính tay. Rồi cắn mạnh, nhai chậm, không nuốt vội, để nghe bao hương vị giao hòa thật thướt tha. Xôi thì béo ngọt. Thịt chim ngọt bùi, chắc dẻo. Cùng chút cay cay lẫn hăng nồng của tiêu, hành... mới tuyệt làm sao!
|
Tuy không biết viết luận án tiến sĩ, song ông bà ta thật tinh tế khi dặn dò: “Thịt gà, cơm nếp, đàn bà. Cả ba thứ ấy đều là dùng tay” (tục ngữ Việt Nam). Phải xé vụn thì lượng mỡ dưới da của gà hoặc chim trời mới tươm ra, “tắm” đều lên các sớ thịt. Phải vò nhừ cơm nếp hay xôi thì ăn vào mới dễ tiêu được.
Cao thâm hơn, y thực triều Nguyễn có bài thuốc gia vị giúp khắc chế “tật xấu” gây khó tiêu, ợ hơi của nếp. Bài này được phối chế từ nhựa măng tre gai (trúc nhự) trộn với nước cốt của lá + đọt non cây chùm ngây và rau bù ngót. Không chỉ thế, chúng còn giúp nâng cao lượng đạm thực vật; bổ ích hệ tiêu hóa cũng như cơ chế giải độc, tuần hoàn máu. Còn độc đáo ở chổ, mũi người ăn nghe béo thanh thoát, riêng miệng lưỡi lại không cảm thấy béo. Thử hỏi có “chết”... mê không?!
Tất nhiên, trời sinh ra bồ câu không chỉ để con dân sành ăn mang hấp xôi, còn vô số món “mất nửa linh hồn” khác như: quay lu, Giang Nam dã hạc... “nóng lòng” chờ đợi.
Trở lại món xôi chim đầm ấm ở nhà bà Mỹ. Ông Tâm (chồng bà Mỹ) không quên lựa miếng thịt ức cho vợ. “Mình để anh ăn trọn bộ lòng cho thêm thủy chung!”, giọng ông trìu mến, mắt nồng nàn nhìn bà. Ấy vậy, bà vẫn lườm... yêu ông.
Trọn “đạo” phu thê
Muốn biết giống bồ câu “một lòng một dạ” cỡ nào, chỉ còn cách chạy đi gặp người nuôi hỏi chuyện.
Ông Phan Văn Thành cán bộ hưu trí ở khu phố 1, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP.HCM, nuôi khoảng 20 cặp bồ câu giống ( gồm: Pháp, Hà Lan, gà, Banh) gần một năm nay. Ông luôn quan sát thật kỹ tính nết từng con, ghi chép chi tiết trong sổ tay “gia phả” vật nuôi.
Ông Thành cho biết: “Người chưa nuôi bồ câu, thường có một chuyện hiểu đúng và một điều hiểu sai về loài chim đưa thư bậc thầy”. Thứ nhất, bồ câu nuôi rất mực chung tình. Vì một lý do nào đó, bị mất đi con “chồng” hoặc “vợ”, con còn lại sẽ buồn bã, bỏ ăn, lơ là ấp trứng. Nếu người nuôi mang cặp trứng đó gửi sang tổ khác, chim mẹ mới sẽ ngửi được mùi lạ ngay. Nó liên tục cào, cạp, mổ đến hư trứng mới thôi.
Khi vắng “chồng”, lỡ bị “anh” bồ câu đẹp mã khác sang “gù” (tán tỉnh), “chị vợ” sẽ đánh “xiễng niểng” ngay. Nếu “chị” nhỏ tuổi hơn, sẽ thừa cơ hội giựt đứt mấy cọng lông đuôi “anh chàng” dê xòm, khiến “hắn” đau điếng bỏ chạy. Nếu bằng tuổi hoặc lớn hơn, “chị” ta sẽ dùng cánh đập “bặt bặt” vào mặt “kẻ”... “mất nết” kia.
Về khả năng điều chỉnh giới tính cho con, nhằm duy trì nòi giống, bồ câu trời luôn giỏi hơn bồ câu nuôi nhốt. Cặp con của bồ câu chuồng, đôi khi toàn đực hoặc cái. Do vậy, người nuôi chuyên nghiệp luôn chuẩn bị một ngăn chuồng “giao lưu” cho đám bồ câu tơ, gọi là chuồng “rộng”. Đợi đến 2.5 tuổi, chúng sẽ tự bắt cặp với nhau, để rồi gắn bó suốt đời.
|
Thật ra, vẫn còn vài ngộ nhận hoặc thiếu sót khác, của không ít người về loài chim biểu tượng cho hòa bình. Chẳng hạn lúc thưởng thức, nhiều phụ nữ, trẻ em thẩm chí đàn ông thường bỏ xương. Song chính bộ phận này giúp đẹp da: “Xương chim bồ câu rất mềm, giàu sinh tố Chondroizin có thể sánh với nhung hươu, thường xuyên ăn sẽ tăng hoạt lực tế bào da, tăng tính đàn hồi da, tăng tuần hoàn máu, khiến mặt mũi hồng hào.” (Lược trích từ bài “Thịt chim bồ câu” trang 121 – 124, sách Giá Trị Dinh Dưỡng Của Thực Phẩm Màu Đỏ, Đặng Nguyên Minh biên soạn, NXB.Thanh Niên).
Với lại, nói ăn lòng chim câu giúp càng thủy chung, chỉ là một kiểu suy luận ẩn dụ. Nhưng gan chim có thể giúp phòng ngừa chứng xơ cứng động mạch, dẫn đến tử vong trong tích tắc hoặc chìm vào đời sống thực vật. “Trong gan tạng chim bồ câu có loại sinh tố mật tốt nhất có thể giúp cơ thể hấp thụ cholesterol. Hơn nữa cholesterol trong thịt chim bồ câu rất thấp có thể phòng ngừa bệnh xơ cứng động mạch” (Nguồn: “Thịt chim bồ câu”, trang 121, sách Giá Trị Dinh Dưỡng Của Thực Phẩm Màu Đỏ, Đặng Nguyên Minh biên soạn, NXB.Thanh Niên).
Bên cạnh đó, công năng gây... “giông bão” chống phòng loan của thịt chim, được nhiều nhiều tài liệu dược thực công nhận. Sách “Bản Thảo Cương Mục” của danh y Lý Thời Trân có viết: “Thịt chim bồ câu rất nổi tiếng là có tính kích thích công năng tình dục mạnh mẽ”. Kể cả trứng chim cũng đáng để bạn lưu tâm. “Nó có tác dụng bổ thận, ích khí.” (Trích “Thuốc quý từ thịt chim bồ câu”, trang 109 - 129, sách Thuốc Quý Ở Quanh Ta, Ngọc Phương biên soạn, NXN. Văn Hóa Thông Tin).
Mặt khác, thịt loài chim “máu ngọt” có đôi mắt tròn xoe rất bổ dưỡng. “Lượng chất protein chứa trong thịt chim cao tới 24.4%, cao hơn 3% so với thịt gà, 4% so với thịt bò, 13.3% so với thịt dê. Nhưng hàm lượng chất mỡ chỉ có 0.73%.... Đồng thời trong thịt chim bồ câu còn có các loại Vitamin A, Vitamin B1, B2, E và nhiều nguyên tố vi lượng là loại nguyên liệu tạo máu.” (Nguồn: “Thuốc quý từ thịt chim bồ câu”, trang 109 -129, sách Thuốc Quý Ở Quanh Ta, Ngọc Phương biên soạn, NXN. Văn Hóa Thông Tin).
Cần trải nghiệm các món bồ câu ngon, bạn có thể ghé lại các nhà hàng: Phương Nam trên đường Điện Biên Phủ, P.17, Q.Bình Thạnh; Nướng Nam Bộ đường Nguyễn Thị Diệu, P.6, Q.3, TP.HCM.
Nên nhớ, đùi bồ câu già luôn ngon hơn tơ giống như “gừng càng già càng cay”.
Những lưu ý với món bồ câu: Nếu chế biến tại nhà, bạn nên nhổ lông sống rồi thui sơ chim, rửa qua nước ấm để thịt không tanh. Hấp cách thủy hay hấp cùng xôi, cơm gạo thơm là những món dễ làm, bảo toàn tính bổ dưỡng. Kỵ ăn thịt chim bồ câu với thịt heo. Phụ nữ mang thai có dấu hiệu thai yếu không nên ăn. Người bao tử yếu, bụng thường óc ách - không tiêu - cử ăn. |
Tạ Tri (thực hiện)
Bình luận (0)